Ở vùng các cửa sông Cửu Long, trong tháng 2, 3/2022, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập sâu từ 50-65 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 15-25 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 5-10km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Từ tháng 4/2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.
Ở sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ tháng 2/2022. Ranh mặn 4 g/lít lớn nhất có khả năng xuất hiện tháng 3,4/2022, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 85-95 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-30 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 20-25 km.
Trên sông Cái Lớn, hiện cống Cái Lớn – Cái Bé đưa vào vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.
Theo Tổng cục Thủy lợi, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 1 đều có xu thế giảm. Từ đầu mùa khô đến 30/1, xâm nhập mặn cao nhất với ranh 4g/l từ 25-40 km ở vùng cửa sông Cửu Long, tương đương so với cùng kỳ trung bình nhiều năm; so với năm 2021, thấp hơn từ 1-3 km; thấp 5-20 km so với cùng kỳ tháng 1/2016 và thấp hơn từ 5-28 km so với cùng kỳ tháng 1/2020 (hai năm hạn mặn lịch sử).
Tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang trong đoạn mùa khô 2021-2022, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 2/2022 đạt khoảng 75% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa đó và lượng mưa dự báo trong mùa khô tới đây thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021 – 2022, riêng hồ Suối Vọng (tỉnh Đồng Nai) có nguy cơ thiếu nước.
Tổng cục Thủy lợi khuyến nghị các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2022, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới./.