Để phát huy tối đa việc phòng, chống hạn mặn, đặc biệt là cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị, hệ thống chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh thật linh hoạt trong việc vận hành hệ thống cống đúng thời điểm; tranh thủ xổ xả để lấy nước ngọt tránh để nguồn nước bị ô nhiễm. Việc vận hành phải đảm bảo sự thống nhất của chính quyền cơ sở, đặc biệt là thăm dò ý kiến của người dân để sát với tình hình thực tế.
Theo ông Trần Ngọc Tam, về lâu dài, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nói chung; trong đó, có hệ thống cống để đến giai đoạn 2024-2025, tỉnh hoàn động chủ động trong việc trữ nước trong mùa hạn mặn để phục vụ kể cả cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Hiện tại, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang có chiều hướng gia tăng dần. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để chủ động ứng phó phù hợp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, nhằm chủ động phòng chống, ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2021-2022, sở đã xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho hay, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như: cống Sa Kê, cống Giồng Võ thuộc huyện Mỏ Cày Nam; dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít xã Thạnh Phú Đông đến cống Cầu Kênh xã Phước Long và cống Thủ Cửu; đê bao ngăn mặn từ cống Sơn Đốc 2 xã Hưng Lễ đến cống Cái Mít xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm; chuẩn bị phương án ngăn mặn tạm thời trong trường hợp các cống không kịp hoàn thành trước mùa khô năm 2021-2022.
Cũng theo ông Đoàn Văn Đảnh, ngành nông nghiệp thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn thông tin rộng rãi đến người dân để kịp thời ứng phó; tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... Bên cạnh đó, vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ,... để ngăn mặn, trữ ngọt; hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi.
Riêng lĩnh vực trồng trọt, Sở cũng khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,… để tiết kiệm. Ngoài ra, Sở cũng khuyến cáo người dân dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021–2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm.
Tại Bến Tre, mùa khô năm 2021-2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12/2021. Theo dự báo của ngành chức năng, đến giữa tháng 2/2022 mặn có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 50km, độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2022. Độ mặn 2 phần nghìn sẽ bao phủ và ảnh hưởng đến phạm vi toàn tỉnh Bến Tre../.