Bến Tre ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã ký công văn số 6999/KH-UBND ban hành Kế hoạch Phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh, được dự báo có khả năng xuất hiện sớm và kéo dài do thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn.
vna-potal-ben-tre-dau-tu-110-ty-dong-xu-ly-khan-cap-sat-lo-bo-song-bo-bien-5726413-1635301751.jpg
Thi công xây dựng mới tuyến kè khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Bến Tre, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre với chiều dài 692 m. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.

Đặc biệt, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát nắm chắc các công trình đập tạm cần đắp theo phương án ứng phó hạn, mặn đến năm 2025 để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: cống Sa Kê, cống Giồng Võ thuộc huyện Mỏ Cày Nam; cửa cống Thành Triệu, huyện Châu Thành; dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (11 công trình cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú); đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít xã Thạnh Phú Đông đến cống Cầu Kênh xã Phước Long và cống Thủ Cửu; đê bao ngăn mặn từ cống Sơn Đốc 2 xã Hưng Lễ đến cống Cái Mít xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi tình hình hạn mặn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và tổ chức gia cố bờ bao, đắp các đập tạm thuộc địa bàn quản lý để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. 
UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng; chuyển tiếp thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã và thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) về phòng chống thiên tai để người dân biết, ứng phó.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ, trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
Riêng việc cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch cấp nước cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng phục vụ.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bến Tre cũng xây dựng các kịch bản xâm nhập mặn có thể xảy ra để triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tương ứng, đồng thời triển khai chỉ đạo phòng chống, ứng phó phù hợp đối với từng kịch bản.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, căn cứ  nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm.
Dự báo mùa khô năm 2021-2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh  từ nửa cuối tháng 12/2021.Đến giữa tháng 2/2022, mặn có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 50 km, độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2022. Độ mặn 4 phần nghìn trên các sông chính xâm nhập ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016: sông Cổ Chiên giảm 5 km, sông Hàm Luông giảm 16 km, sông Cửa Đại giảm 2 km.

Trường hợp cực đoan nhất do việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre sẽ tương đương mùa khô năm 2015-2016./.