Dự báo nhu cầu và giá cả thực phẩm sẽ tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, chợ truyền thống và các kênh tiêu thụ được mở cửa, các hoạt động dịch vụ tăng, dự báo nhu cầu thực phẩm cuối năm và giá cả sẽ tăng trở lại.
1000x-1-1637109661.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, diễn biến của khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và dịch COVID-19. Các đơn vị tập trung chỉ đạo chuẩn  bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Thời gian vừa qua, giá  các loại rau củ, trái cây tăng do nhu cầu tăng, tuy  nhiên nguồn cung hạn chế trong khi lưu thông đã thuận lợi hơn do nhiều tỉnh thành lớn thực hiện nới lỏng giãn cách, dần trở về trạng thái “bình thường mới” theo Chỉ  thị  của Chính  phủ.  

Như trong tháng 10 vừa qua tại Đà Lạt,  giá  xà  lách, bắp  cải, cà  chua, ớt chuông đã có giá tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước, tùy loại. Tại một số tỉnh Nam Bộ, chôm chôm ở mức 34.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 18.000đồng/kg, thanh long ruột trắng có giá là 14.000 đồng/kg; sầu riêng từ 55.000 - 60.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn 25.000 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu dự báo sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm. Đây cũng là yếu tố chính giúp cải thiện xuất khẩu của Việt Nam trong thời  gian tới.  Cùng với  hoạt động  thông  quan  xuất  khẩu nông sản sang Trung  Quốc được khơi thông sẽ là những  yếu tố thúc đẩy xuất  khẩu rau quả trong  những tháng tới. 

Mặt  khác, nguồn cung trái cây khá dồi dào khi các loại quả có múi như cam, bưởi,... cho thu hoạch rộ; các loại rau vụ Đông miền Bắc thu hoạch cuối năm 2021 -  đầu năm 2022. Khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch, các hoạt động ngoài gia đình và dịch vụ tăng. Dự báo nhu cầu thực phẩm như lợn, gia cầm… cuối năm và giá cả sẽ tăng trở lại.

Với các sản phẩm thủy sản, các  doanh  nghiệp đang gia tăng thu mua để  chuẩn  bị  cho đơn hàng  phục  vụ dịp  Noel và  lễ  tết  cuối  năm nên giá cá tra và tôm có xu hướng tăng, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế bởi người nuôi còn đang dè chừng lo ngại dịch bệnh. Trong thời gian tới, giá tôm nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được cải thiện khi nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi nguồn tôm tại khu vực hiện không còn nhiều do đã vào giai đoạn cuối vụ.

Với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và nhiều địa phương, cùng với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ của các cơ quan trung ương và địa phương. Dự kiến vào những tháng cuối năm, thị trường rau củ sẽ có dấu hiệu hồi phục với nhu cầu trong và ngoài nước gia tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả có thể sẽ vẫn gặp một số thách thức liên quan đến hoạt động logistic, các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm và gia tăng hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu.

Trước những dự báo về áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong bối cảnh các nước dần  kiểm soát dịch bệnh và tập trung phục hồi tăng trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cung cấp thông tin, dự báo tình hình cung cầu nông sản và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả thông qua Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ, Tổ điều hành thị trường trong nước của Bộ Công Thương.

Bộ chỉ  đạo các cơ quan, đơn vị  liên  quan  trong  hoạt động  kiểm  soát  chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; chỉ đạo các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. 

Bộ cũng phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng; thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động xây dựng phương án khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp theo  các  kịch  bản diễn biến của dịch COVID-19 của địa phương, đồng thời thống nhất một số quy định giữa các địa phương trong điều hành sản xuất. Tổ chức liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực, xử  lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản./.