Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam bị thu hẹp.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng qua ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%; lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; trong đó: thị trường Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 39,8%; Nhật Bản 834,3 triệu USD, giảm 4,8%; Trung Quốc 701,1 triệu USD, giảm 26,3%; EU (cả Anh) 425,5 triệu USD, giảm 33,7%; Hàn Quốc 410,3 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, các chuyên gia cho biết do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, nên chính phủ các quốc gia này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Đồng thời, xung đột địa chính trị (Nga - Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp như: chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng. Ngoài ra, xuất khẩu suy giảm còn do chính sách bảo hộ của các quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Từ 2015 tới năm 2019, ngành gỗ đối diện với hai vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Mỹ (vụ việc 301, gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ trung quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada.
Đặc biệt, việc Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu mọi sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ rừng bền vững. Nước Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đã tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Trước tình hình nêu trên, chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Quốc tế đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 1 - VIFA ASEAN 2023 mới đây, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành gỗ tiếp tục là một trong những ngành khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay về tình hình sản xuất và xuất khẩu. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm, có 2 việc quan trọng, thứ nhất phải có sản phẩm mới để kích thích sức mua và thứ hai đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các thị trường mới.
Trong khi đó, Đông Nam Á là một trong những trung tâm sản xuất, cung cấp đồ gỗ nội, ngoại thất, hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu thế giới. Vì thế, việc tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp ngành gỗ là rất quan trọng. Bởi, Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và đứng thứ hai của châu Á. Nhu cầu nhập khẩu gỗ của các nước ASEAN khoảng 3 tỷ USD, nhưng tỉ lệ xuất khẩu của Việt Nam chưa tới 100 triệu USD.
Từ đó, ông Liêm nhấn mạnh: "Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng, tìm kiếm thị trường bằng tất cả các kênh xúc tiến thương mại. Trong đó, kênh truyền thống vẫn là các hội chợ, triển lãm. Dù rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp rất bền bỉ, kiên trì tham gia các hội chợ triển lãm. Qua đó, có thể tìm kiếm khách hàng mới, cũng như tiếp cận những công nghệ mới, sản phẩm mới. Mặc dù là kênh truyền thống, nhưng hội chợ triển lãm vẫn là kênh quan trọng và hiệu quả đối với các doanh nghiệp”.