Dòng vốn tăng mạnh trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và tư duy thu hút đầu tư có chọn lọc

Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh như: năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

Nội dung trên được thể hiện trong Báo cáo thường niên FDI năm 2023 với chủ đề “Trước thách thức và cơ hội mới - Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 26/3.

bao-cao-thu-hut-dau-tu-01-1711441414.jpg
Toàn cảnh Lễ công bố báo cáo thường niên FDI năm 2023.

Tăng trưởng xanh đang tạo sức hút và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Một số nội dung đáng lưu ý được Báo cáo thường niên FDI năm 2023 chỉ ra gồm, dòng vốn FDI toàn cầu sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023 đạt mức 1.370 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Riêng dòng vốn FDI của Mỹ có sự chuyển dịch đáng kể khi nhiều DN Mỹ giảm hoạt động tại Trung Quốc; Dòng vốn FDI từ các nước đang phát triển tiếp tục tăng nhanh hơn FDI từ các nước phát triển, hiện chiếm 6% tổng FDI toàn cầu.

Đáng chú ý là năm 2023, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD. Vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 tiếp tục tăng mạnh khi đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.

Đáng chú ý, tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh như: năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh, chiếm khoảng 2% GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10-13%.

TP.HCM dẫn đầu về thu hút FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD; tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình. TP.Hà Nội 2 năm liền không nằm trong Top 5 về thu hút FDI.

bao-cao-thu-hut-dau-tu-04-1711441401.jpg
Các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.(Ảnh minh họa)

Trong số các nước và Vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2023, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD chiếm 18,6% tổng vốn FDI đăng ký; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD chiếm 17,9%. Đáng chú ý là Hong Kong vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ tư với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ USD.

Các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, các khu công nghiệp - khu kinh tế của Việt Nam đã thu hút được 27,7 tỷ USD vốn FDI; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Nhiều địa phương đã chú trọng chuyển khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

Cần đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI một cách chọn lọc

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE - Chủ biên báo cáo cho biết, báo cáo năm nay ra đời trong bối cảnh nhiều nước phát triển thực hiện chính sách sàng lọc, hạn chế FDI vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia, khuyến khích chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước, sang quốc gia lân cận hoặc nước thứ ba. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm quyền lợi của người lao động…

“Trong quá trình soạn thảo Báo cáo lần này, Tổ biên tập của VAFIE đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ nhiều Hiệp hội DN trong và ngoài nước như Jetro, Kotra, Amcham và Eurocham; Hiệp hội Điện tử, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Gỗ và Hiệp hội Năng lượng; các chuyên gia kinh tế, Công ty kiểm toán quốc tế... để có được những ý kiến đánh giá khách quan về môi trường đầu tư, thành quả cũng như cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình thu hút FDI chất lượng cao”, GS.TSKH Nguyễn Mại thông tin.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, Tổ trưởng Tổ biên tập, Báo cáo thường niên FDI năm 2023 cập nhật thông tin về FDI trên thế giới và khu vực, cung cấp cho các nhà đầu tư và các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách bức tranh toàn cảnh và đánh giá khách quan về hoạt động FDI, cũng như môi trường đầu tư Việt Nam. Từ đó khuyến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách và cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.

“Cùng với các báo cáo về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo thường niên FDI năm 2023 do VAFIE xây dựng và công bố, sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước", TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

bao-cao-thu-hut-dau-tu-02-1711441491.jpg
Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng còn nhiều hạn chế về môi trường đầu tư mà Việt Nam cần sớm khắc phục, đó là thủ tục hành chính chưa minh bạch, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn dài làm tăng chỉ phí đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là việc ổn định cung cấp điện. Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến trình chuyển đổi xanh vẫn còn chậm...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam về thu hút FDI trong bối cảnh mới, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường quán triệt và kịp thời hành động để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 50 - NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, cần đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI một cách chọn lọc, không những coi trọng quy mô mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả.

Để thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, VAFIE cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu...

"Hướng mạnh FDI vào các ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia", lãnh đạo VAFIE đề xuất.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nhất là năng lượng, hạ tầng số, giao thông vận tải, thúc đẩy cải cách nền hành chính quốc gia và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Trọng Bình