Ngày hội nông sản - OCOP Bắc Kạn diễn ra trong 3 ngày từ 1 - 3/6. Quy mô trưng bày có gần 50 gian hàng các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được sản xuất, chế biến tại tỉnh Bắc Kạn; sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của các đơn vị, địa phương như Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hiện nay, sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn rất đa dạng với hơn 150 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng như bí xanh thơm, gạo chất lượng cao, miến dong, cam, quýt và các sản phẩm chế biến từ gạo như bún khô, phở khô, sản phẩm dược liệu, rau, củ, quả…
Bí xanh thơm Bắc Kạn là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Năm 2022, toàn tỉnh đạt sản lượng khoản 8.000 tấn. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, trong đó có diện tích đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Bên cạnh đó, có những nông sản của tỉnh bước đầu đã đảm bảo các tiêu chuẩn về nguyên liệu và chế biến để xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn cao như sản phẩm mơ vàng, gừng Bắc Kạn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm miến dong xuất khẩu sang Cộng hòa Séc và Mỹ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Việc tổ chức sự kiện Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP gắn với hoạt động trải nghiệm sinh thái, sẽ quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ bí xanh thơm, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn; hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà phân phối; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường theo chuỗi giá trị”.
Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp phân phối chung đều mong muốn tăng tính nhận diện cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn với người tiêu dùng, qua việc giới thiệu quy trình trồng. Đồng thời cam kết, bằng những việc làm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, phấn đấu giảm hết mức chi phí nhằm đưa sản phẩm tới rộng rãi người tiêu dùng.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ thêm, diện tích trồng bí xanh thơm hữu cơ của tỉnh Bắc Kạn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường, đề nghị địa phương hỗ trợ người trồng mở rộng vùng trồng theo quy mô hàng hoá. Đặc biệt, cần nâng cao vùng trồng chất lượng cao, dán tem truy xuất nguồn gốc, tem OCOP nhằm tạo điểm nhấn về uy tín, chất lượng cho sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn.
“Với các loại nông sản khác của Bắc Kạn dù tốt về chất lượng nhưng cần chú ý hơn tới kiểu dáng, bao gói sản phẩm làm thế nào để thu hút ngay sự quan tâm của khách hàng. Để làm được điều này, địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư thuê thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá hình ảnh lên các trang mạng xã hội…”, bà Vũ Thị Hậu nói.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương đẩy mạnh tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn qua các kênh tiêu thụ sản phẩm, trong khuôn khổ Hội nghị, với sự phối hợp tổ chức và kết nối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, kết nối tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng được sản xuất, chế biến tại tỉnh Bắc Kạn trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.
Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lớn sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử uy tín. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, tiếp cận các giải pháp hiện đại để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp và bà con nông dân mở rộng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử.
Với vai trò quản lý và định hướng, phát triển thị trường thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục đồng hành với các tỉnh, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng chương trình phân phối sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… qua các sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm của các tỉnh tiếp cận kênh phân phối mới, hiện đại trên nền tảng số; hướng dẫn, hỗ trợ truyền thông, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số.