Nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng đến hết năm
Tại TP. HCM, từ ngày 3/2 và 4/2 (tức mùng 6 và mùng 7 Tết), nhiều doanh nghiệp đã sản xuất trở lại để chuẩn bị cho đơn hàng đầu năm. Tại Công ty TNHH Cao su Đức Minh, hơn 100 lao động đã trở lại sản xuất đầy đủ từ mùng 6 Tết để chuẩn bị hàng giao cho khách hàng Hàn Quốc trong quý 1 năm nay. Các sản phẩm được sản xuất là chân, đế nhựa cho các thiết bị điện gia dụng. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với khách hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản đến hết năm.
Năm 2024, công ty có nhiều đơn hàng và sản xuất ổn định nên đã chăm lo lương thưởng Tết tốt cho công nhân, khiến người lao động phấn khởi khi trở lại làm việc đầu năm.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết: "100% công nhân trong các tỉnh đã quay trở lại làm việc sau Tết và đang bắt đầu sản xuất những ngày đầu năm. Các đơn hàng được duy trì ổn định, do hợp đồng đã được ký kết cho cả năm, với kế hoạch giao từng sản phẩm cụ thể theo từng tháng. Đến bây giờ, đơn hàng nhiều hơn năm trước khoảng 5-10%".
Tính đến cuối năm 2024, TP.HCM có hơn 200 doanh nghiệp dệt may với trên 1 triệu lao động. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6.
Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội may thêu đan TP.HCM, phần lớn lao động của ngành này quê đều ở xa, vì vậy nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết 10 ngày nên đến mùng 8 mới làm việc trở lại. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tổ chức xe đón công nhân và hỗ trợ tiền vé xe cho công nhân trở lại làm việc.
Cũng theo ông Hồng, thị trường xuất khẩu dệt may năm nay khá tốt. Doanh nghiệp hy vọng đơn hàng có thể tăng hơn từ 10%-15% so với năm trước. Vì vậy, điều quan trọng nhất của doanh nghiệp ngành này là cải thiện sản xuất, tăng hiệu quả, chăm lo tốt cho người lao động để vừa giữ lao động cũ vừa tuyển thêm lao động mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Phạm Xuân Hồng cho biết thêm: "Sau Tết, số lượng công nhân trở lại làm việc tương đối ổn định. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp lo lắng là làm sao ổn định việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Vì thế, các doanh nghiệp cần hết sức chú ý cải tiến sản xuất và quản lý nhằm nâng năng suất lao động. Qua đó, giữ chân người lao động và đảm bảo đời sống người lao động năm 2025 tăng hơn trước".
Cũng trong khí thế đầu xuất, nhiều doanh nghiệp tại TP. Huế và Hà Nội cũng đã bắt tay vào sản xuất từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết. Sáng 3/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán), toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Dệt may Huế đã ra quân mở máy ngày đầu năm trong khí thế hăng say, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 đã đề ra.
Theo đại diện của công ty, năm 2024 bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh với cầu tiêu dùng suy giảm, ngành dệt may đối mặt với cạnh tranh khốc liệt và các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe từ Mỹ và EU nhưng Dệt may Huế đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kết quả ấn tượng với doanh thu tăng 5,7% so với năm 2023, lợi nhuận hoàn thành 122,2% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng nộp ngân sách 53 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch/năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Với những kết quả đạt được, năm 2025, Dệt may Huế đặt mục tiêu doanh thu 2.070 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đồng. Cùng đó là hướng đến sự phát triển bền vững với trọng tâm cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, mở rộng thị trường…
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), ngay sau kỳ nghỉ Tết, tất cả các doanh nghiệp hội viên của HANSIBA đã ra quân thực hiện hoạt động tổ chức sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh được từng doanh nghiệp đề ra và kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa trong năm mới.
"Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội, các Công ty thành viên HANSIBA sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường từ nội địa hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới trong tổ chức sản xuất tại từng đơn vị", ông Nguyễn Vân cho hay.
Nhiều chính sách hỗ trợ chăm lo người lao động nhằm thúc đẩy sản xuất
Trong 2 ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Đà Nẵng nhanh chóng bắt nhịp trở lại công việc, hướng tới những mục tiêu sản xuất kinh doanh mới với nhiều kỳ vọng khởi sắc.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Thơ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng cho hay, sau kỳ nghỉ Tết, công ty đón công nhân trở lại làm việc vào ngày 3/2 (mùng 6 Tết). Trong ngày làm việc đầu năm mới, lãnh đạo công ty và công đoàn đã động viên và lì xì may mắn cho toàn thể người lao động.
Còn tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, khoảng 300 người lao động (gần 90% tổng số lao động) tại Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á châu trở lại làm việc sáng 3/2.
Giám đốc công ty, ông Hà Ngọc Thống cho biết, trong năm 2024 doanh nghiệp đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để hoàn thiện hai máy in offset cùng hệ thống phần mềm in. Việc đầu tư này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đồng thời tăng năng suất và mở rộng hướng tới phân khúc cao cấp tại Mỹ và châu Âu. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 sẽ tăng 10% so với năm 2024.
Với hơn 95% nhân sự trở lại làm việc, tương đương khoảng 2.000 lao động, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) nhanh chóng khôi phục nhịp độ sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đầu năm. Theo Tổng Giám đốc DRC Lê Hoàng Khánh Nhựt, trong năm 2024, công ty đạt doanh thu thuần hơn 4.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 289 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 91% kế hoạch doanh thu và 101% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11-12% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu trên, Sở Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu với những quy định ngày càng khắt khe.
Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; hỗ trợ, tư vấn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương cho biết năm 2025 với những kỳ vọng bứt phá từ các thị trường được mở rộng, lĩnh vực xuất nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%-12% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết Cục sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo lãnh đạo bộ điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng trong năm 2025 theo cam kết tại WTO và theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương khác, đảm bảo tuân thủ đúng cam kết và phù hợp với nội luật, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu đồng thời theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
“Đơn vị sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm tới - năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu…/.