Nông dân Thanh Hóa khẩn trương xuống đồng sau Tết, quyết tâm cho một vụ mùa bội thu

Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, trên khắp các cánh đồng của tỉnh Thanh Hóa, bà con nông dân đã khẩn trương xuống đồng, bắt đầu một năm lao động sản xuất với hy vọng về một vụ mùa mưa thuận gió hòa, bội thu.
nong-dan-xuong-dong-1738725080.jpg
Sau những ngày nghỉ Tết, nông dân Thanh Hóa khẩn trương xuống đồng.

Sau những ngày nghỉ Tết, bà con nông dân tại Thanh Hóa lại khẩn trương xuống đồng, bắt tay vào công việc đồng áng với tinh thần phấn khởi. Trên khắp các cánh đồng, không khí lao động diễn ra sôi nổi, người bón phân, người cào cỏ, người dẫn nước vào ruộng… tất cả cùng chung một niềm hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trên cánh đồng thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang, huyện Nông Cống, người dân đã khẩn trương ra đồng từ sáng sớm để lấy nước về cho lúa sinh nhánh, đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt trong giai đoạn quan trọng. Những dòng nước chảy róc rách trên từng thửa ruộng, tiếng máy bơm rì rào hòa cùng tiếng cười nói sảng khoái của bà con, tạo nên một bức tranh lao động đầy sức sống. Không chỉ lấy nước, nhiều hộ nông dân còn tranh thủ bón phân, làm cỏ, chăm sóc từng khóm lúa với hy vọng vụ mùa năm nay sẽ xanh tốt, hứa hẹn một vụ bội thu.

Bà Lê Thị Xinh, một nông dân địa phương, chia sẻ: “Chúng tôi cấy trước Tết để tránh lũ, nên giờ đây là thời điểm tốt nhất để bón phân, làm cỏ cho lúa đẻ nhánh, cũng như phòng trừ sâu bệnh. Có như vậy thì cây lúa mới sinh trưởng khỏe mạnh, đẻ nhánh tập trung và cho năng suất cao sau này. Vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng, quyết định sản lượng lúa cả năm, nên bà con ai cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra đồng”.

Cũng theo bà Xinh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như phòng, chống sâu hại, vụ Xuân năm nay người dân ưu tiên lựa chọn sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giống dài ngày chỉ bố trí trên các chân đất đặc thù. Mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại giống, cấy tập trung trong khoảng 3 - 5 ngày để tiện chăm sóc và áp dụng cơ giới đồng bộ trong sản xuất.

nong-dan-xuong-dong-1738725173.png
Bà con nông dân tranh thủ bón phân cho lúa đẻ nhánh sau khi cấy trước Tết để tránh lũ.

Được biết, huyện Nông Cống là địa phương sản xuất vụ Xuân sớm nhất tỉnh để tránh lụt, nên trước Tết bà con nông dân đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa vụ Xuân. Ngay từ mùng 2 Tết thời tiết thuận lợi bà con nông dân đã xuống đồng chắm dặm, bón phân chăm sóc cho cây lúa phát triển.

Ông Đỗ Quang Trung, Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nông Cống chia sẻ: "Trong năm 2025, toàn huyện đã gieo cấy hơn 10ha lúa vụ Xuân theo kế hoạch. Trên diện tích đất thường xuyên bị ngập lụt ở các xã vùng 4, địa phương hướng dẫn người dân bố trí gieo cấy giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 125 ngày, như: TBR 97, Thiên Ưu 8, KD đột biến, Bắc thơm 7-KBL.... Đến nay, cây lúa xuân đang bén rễ, hồi xanh và chuẩn bị đẻ nhánh. Đây là thời điểm thuận lợi để nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Do đó, người dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng chăm sóc cây lúa và kịp thời phát hiện sâu hại để có biện pháp phòng trừ”.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết) các địa phương trong tỉnh đã giải phóng 147.846,8ha/189.000ha đất vụ xuân, đạt 78,2% kế hoạch. Nông dân các huyện Nông Cống, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Triệu Sơn... đã gieo cấy được 46.366,9ha trà lúa xuân sớm. Cùng với đó, nông dân trong tỉnh cũng thu hoạch cây trồng vụ đông 40.343,9ha/45.597,6ha, đạt 88,5%.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Để bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ Xuân, ngành nông nghiệp đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2025 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ngay sau Tết, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực kiểm tra, thăm đồng động viên bà con nông dân tập trung chăm sóc lúa vụ xuân, tạo khí thế lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân mới.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đang tích cực đôn đốc người dân thu hoạch cây trồng vụ đông; chuẩn bị các điều kiện triển khai phương án sản xuất vụ xuân 2025. Chủ động các biện pháp phòng chống rét cho lượng mạ đã gieo và diện tích lúa đã cấy. Tiếp tục điều tra, theo dõi sự phát sinh phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại”.

Với khí thế sôi nổi và quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu xuân của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, năm 2025 hứa hẹn là một trong những năm “bội thu” của tỉnh./.

Hà Khải