Năm 2021, tỉnh Cao Bằng được Chính phủ chọn là địa phương thí điểm thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ đó đến nay, tỉnh Cao Bằng đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện, riêng năm 2024, toàn tỉnh đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, dột nát.
Ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, địa phương đã triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, chương trình, dự án hỗ trợ người dân khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, năm 2024, Cao Bằng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã hứng chịu 17 đợt thiên tai, trong đó cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Để khắc phục hậu quả, tỉnh Cao Bằng đã phân bổ hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai hơn 366 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và huy động từ sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cao Bằng cũng huy động trên 15.560 lượt người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Cuối năm 2024, khu nhà ở tái định cư cho đồng bào bị thiệt hại, mất nhà hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình đã được khánh thành sau hơn 3 tháng thi công. Nhờ đó, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đã có cuộc sống ổn định, an tâm đón Tết.
Năm 2025, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu xóa 7.115 nhà tạm và nhà dột nát, trong đó có gần 4.800 nhà thuộc diện xây mới. Tỉnh Cao Bằng cũng giao chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế của các thôn, xã...
Trong đó, Bảo Lâm là huyện có nhu cầu cao nhất với gần 2.000 nhà cần được hỗ trợ. Cao Bằng cũng giao chỉ tiêu kinh phí hơn 371 tỉ đồng từ các nguồn ngân sách trung ương, địa phương, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn xã hội hóa để các đơn vị, địa phương triển khai chương trình.
Tỉnh Cao Bằng cũng phấn đấu mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm nhà dột nát trước khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XX, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra và đang tiếp tục kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính, đất đai trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm 2024, Cao Bằng tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong cả nước về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát với khoảng 7.000 gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới. Đáng ghi nhận là phần lớn các ngôi nhà xây dựng mới đều có giá trị cao hơn phần hỗ trợ của Nhà nước do người dân chủ động thêm kinh phí. Điều này cho thấy nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Trịnh Trường Huy, tỉnh Cao Bằng đã thành lập ban chỉ đạo xóa nhà tạm dột nát từ 2021 và xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể. Giai đoạn 2021-2023 Cao Bằng xóa được khoảng hơn 6.000 nhà. Riêng năm 2024 đã xóa được gần 7.000 nhà trong tổng số khoảng 28.000 nhà trong cả nước. Có được kết quả này là sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, của thành viên Ban chỉ đạo, rồi các huyện, xã và từng thôn, xóm…
Từ khi triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa rộng khắp, mang lại diện mạo mới cho công cuộc phát triển kinh tế tại các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng. Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo./.