Du lịch bứt tốc và giải pháp giữ thế thượng phong trong năm 2025

Được đánh giá là quốc gia có tốc độ phục hồi du lịch năm 2024 tốt nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã tạo dấu ấn ngoạn mục trong ngành công nghiệp không khói với doanh thu khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Dù đối mặt với nhiều thách thức, du lịch Việt Nam kỳ vọng tiếp đà bứt phá trong năm 2025 với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và bền vững.
du-lich-viet-nam-2-1738717416.jpg
Năm 2024, du lịch Việt đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm. (Ảnh minh họa)

Du lịch Việt Nam "vượt bão" để cán đích ngoạn mục trong năm 2024

Tuy vừa trải qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch đến thiên tai, bão lũ, song du lịch Việt Nam đã “cán đích” ấn tượng và kỳ vọng tạo đột phá trong năm Ất Tỵ nhờ kết quả phục hồi tích cực của năm 2024.

Theo đó, năm 2024, du lịch Việt đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm (đón từ 17 - 18 triệu lượt). Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, có được kết quả trên là nhờ tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công - tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài…

Có thể thấy, việc tăng từ 12,6 triệu lượt khách quốc tế (năm 2023) lên 17,5 triệu trong năm 2024 là nỗ lực đáng kể của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch ước đạt 840 nghìn tỷ đồng.

Trước những kết quả tích cực của du lịch Việt Nam, Cục Du lịch Quốc gia nhận định: Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại đã tạo sức bật của du lịch Việt Nam. Có thể coi đây là bước ngoặt. Du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực mới, sức bật mới.

du-lich-viet-nam-3-1738717454.jpg
2024 được coi là năm “bùng nổ” các hoạt động quảng bá du lịch Việt ra với thế giới, đặc biệt các thị trường trọng điểm; cơ sở hạ tầng lưu trú, khách sạn, dịch vụ du lịch được cải thiện góp phần giúp du khách nâng cao trải nghiệm. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ du lịch Việt có được “bước ngoặt” tăng trưởng mạnh mẽ như bây giờ là nhờ từ 15/8/2023 Chính phủ mở rộng cửa với thị trường quốc tế, bằng việc nâng thời hạn tạm trú cho công dân 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày, cũng như áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời hạn thị thực điện tử được nâng từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần…

Đáng chú ý, 2024 được coi là năm “bùng nổ” các hoạt động quảng bá du lịch Việt ra với thế giới, đặc biệt các thị trường trọng điểm; cơ sở hạ tầng lưu trú, khách sạn, dịch vụ du lịch được cải thiện góp phần giúp du khách nâng cao trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung vào các loại hình hút khách như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, MICE… Trong đó, đáng chú ý MICE là loại hình cho thấy sự khởi sắc năm vừa qua, tiêu biểu là đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8/2024.

Những thách thức và sự chuyển mình để tiếp đà bứt phá

Bên cạnh những lợi thế, các chuyên gia cũng chỉ rõ những thách thức mà du lịch Việt Nam phải đối mặt và đòi hỏi những giải pháp thích ứng phù hợp thực tiễn. Năm 2025 được xác định là năm du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Theo đó, Ngành du lịch hướng đến đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu từ 980.000 tỷ đồng đến 1,05 triệu tỷ đồng và tạo 5,5 triệu việc làm.

Đây được xem là một tham vọng và thể hiện kỳ vọng lớn từ ngành du lịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải có những bước đi cụ thể và chiến lược dài hạn…

Năm 2025, ngành du lịch sẽ tập trung vào việc khai thác sâu hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, tăng cường liên kết với các hãng hàng không để mở thêm đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá và xúc tiến du lịch.

du-lich-viet-nam-5-1738717484.jpg
Các hoạt động lễ hội dịp tết Nguyên đán 2025 đã tạo sức hút du khách khởi đầu cho năm du lịch thành công. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ sau đại dịch Covid-19, nhưng du lịch Việt vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Cụ thể, hạ tầng du lịch tại Việt Nam mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót so với các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh. Đặc biệt, các tỉnh thành ngoài các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay Phú Quốc vẫn chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đủ sức thu hút và phục vụ du khách quốc tế.

Một điểm hạn chế nữa trong ngành du lịch Việt Nam chính là sự thiếu hụt các sản phẩm du lịch cao cấp và độc đáo. Trong khi các thị trường du lịch lớn như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các điểm đến truyền thống như biển, di sản văn hóa hay các tour du lịch sinh thái. Điều này khiến ngành du lịch Việt Nam thiếu tính cạnh tranh trong việc thu hút khách quốc tế, đặc biệt là những du khách có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân.

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của công nghệ số. Việc áp dụng các nền tảng công nghệ trong việc quảng bá điểm đến, quản lý dịch vụ, cũng như trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh, tiện lợi cho du khách vẫn còn rất hạn chế. Đây là một yếu tố quan trọng cần được cải thiện để nâng cao sự thuận tiện, tiện ích cho khách du lịch, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa quy trình hoạt động của mình.

du-lich-viet-nam-4-1738717405.jpg
Để hiện thực mục tiêu đón khách năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa. (Ảnh minh họa)

Để hiện thực mục tiêu đón khách năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa. Trong đó, chính sách visa của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đột phá. Trong khi đó, “đối thủ” của du lịch Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa 2 - 3 lần, lại miễn visa hoàn toàn cho các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng thị trường được miễn visa và liên tục tung ra các chính sách ưu đãi... nên khách tăng trưởng vượt trội.

Ngoài ra, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, chuyên gia cũng cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia, trong đó đánh giá thị trường khách, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cho từng thị trường mục tiêu, sau đó mới xây dựng các chiến lược quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung vào 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý và quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời tham mưu cấp trên sửa đổi Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phù hợp với tình hình mới./.

Trọng Bình