Ngành chăn nuôi nắm bắt cơ hội thuận lợi tạo bứt phá trong năm 2025

Ngành chăn nuôi năm 2024 đã nỗ lực tạo đà tăng trưởng ấn tượng nhờ chủ động làm tốt công tác chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, tối ưu hóa chi phí, tăng cường liên kết chuỗi, phòng chống buôn lậu, thắt chặt nhập khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường. Đây cũng là nên tảng để chăn nuôi Việt Nam bứt phá trong năm 2025.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 21 triệu tấn, tăng 3,4%.

phat-trien-chan-nuoi-1-1738637120.jpg
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.(Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm cuối tháng 12/2024, đàn lợn đạt 26,59 triệu con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; đàn gia cầm khoảng 575,1 triệu con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm, trong đó tổng đàn trâu khoảng 2,07 triệu con, giảm khoảng 3,0%; đàn bò khoảng 6,29 triệu con, giảm 0,6%.

Đáng chú ý, sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng. Đồng thời, sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Thịt gà chế biến cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu và Mông Cổ.

Ngoài những mặt hàng đã và đang xuất khẩu, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: Đàm phán với Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm; đàm phán với Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này; tiếp tục đàm phán tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa…

phat-trien-chan-nuoi-2-1738637203.jpg
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm cuối tháng 12/2024, đàn lợn đạt 26,59 triệu con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.(Ảnh minh họa)

"Năm 2024 đánh dấu những nỗ lực và cố gắng của ngành chăn nuôi trong cuộc chiến chống lại vấn nạn nhập lậu sản phẩm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo an toàn sinh học", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định; đồng thời cho biết ngành chăn nuôi không chỉ chuyển đổi về phương thức, quy mô mà còn chuyển đổi cả về địa lý, khi ngày càng nhiều tỉnh có tiềm năng lợi thế về vị trí, đất đai, không gian phát triển chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm qua, nhờ chủ động làm tốt công tác chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, tối ưu hóa chi phí, tăng cường liên kết chuỗi, phòng chống buôn lậu, thắt chặt nhập khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường… nên ngành chăn nuôi có nhiều thuận lợi để phát triển. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bứt phá trong năm 2025.

"Để phát triển thị trường sản phẩm trong nước, chúng tôi đã có những định hướng cho các doanh nghiệp lớn có trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý thương hiệu, khả năng đánh giá thị trường tốt. Chúng tôi tập trung vào các thị trường lớn, ưu tiên sản phẩm sữa vì chúng ta có nhiều kinh nghiệm như TH milk, Vinamilk. Tiếp theo, chúng tôi ưu tiên các sản phẩm gia cầm, thịt chế biến, gà… để ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu và thị trường hiện nay đang hướng đến là cộng đồng người hồi giáo Halal; mỗi năm nhập khẩu khoảng 17 tỷ USD thực phẩm, đồ uống. Đối với các sản phẩm khác chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp có thế mạnh trong nước để thời gian tới có thể đáp ứng xuất khẩu, bảo đảm phát triển ngành chăn nuôi bền vững hơn".

phat-trien-chan-nuoi-3-1738637102.jpg
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024; trong đó sản lượng thịt hơi khoảng 8,4 triệu tấn; sản lượng trứng 20,2 tỷ quả; sản lượng sữa 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,05 triệu tấn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, ông Chinh nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sự biến động khó lường của thị trường.

Chỉ đạo nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi cần tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và an toàn sinh học.

Thứ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết của việc rà soát lại các văn bản pháp luật chưa phù hợp; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt và chăn nuôi, đẩy mạnh tiêm vaccine để xây dựng vùng an toàn sinh học. “Việc đầu tư theo chuỗi, phát triển kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế phải được coi là trọng tâm, với mục tiêu thu hút thêm đối tác nước ngoài, cải thiện thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

Trọng Bình