Sau Tết, sầu riêng chưa hết nỗi lo rớt giá, thương lái ngại thu mua

Hệ lụy từ những lô sầu riêng khi doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về do chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, hoặc phải nằm chờ tại cửa khẩu "làm thủ tục" từ trước tết đã khiến cho người trồng sầu riêng gặp khó. Thời điểm này, tại Tiền Giang, dù sầu riêng tới giai đoạn thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất ít và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
sau-rieng-rot-gia-3-1738673089.jpg
Các doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng cũng rất lo ngại hàng hóa đến cửa khẩu "nằm chờ".(Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều vườn sầu riêng ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) tới giai đoạn thu hoạch nhưng thương lái đến thu mua rất ít. Bởi những ngày trước Tết, nhiều lô hàng sầu riêng khi doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về do chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, hoặc phải nằm chờ tại cửa khẩu "làm thủ tục" mất thời gian. Do đó, trái sầu riêng đầu năm nay, giá thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với trái sầu riêng Mon Thong (loại tốt), doanh nghiệp mua tại vườn giá trên dưới 90.000 đồng/kg, Ri6 giá chưa đến 50.000 đồng/kg. Mức giá này cũng dao động tùy vào từng thời điểm và lượng hàng mà các doanh nghiệp thu mua vào theo chuyến hàng.

Anh Huỳnh Thanh Nhã, chủ vườn cây sầu riêng tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè vừa thu hoạch một số diện tích sầu riêng có chia sẻ: “Sầu riêng Mon Thong hôm quá giá còn 80.000 – 85.000 đồng/kg. Ri 6 mua tại vườn giá từ 30.000 – 45.000 đồng/kg. Bây giờ hàng khó đi, thương lái mình điện thoại hẹn hoặc khi vào vườn mua không dám cho giá vì giá thấp quá nhà vườn không bán. Vườn mình trước Tết do giá sụt phải neo lại, qua Tết nó bị bọp lại, gom hộc lại sẽ bị mất ký”.

Với mức giá này, nhà vườn trồng cây sầu riêng có lãi rất thấp do chi phí đầu tư nhất là phân thuốc ở mức cao. Phía doanh nghiệp kinh doanh trái cây này cũng gặp khó khăn nhất là khi có lô hàng bị trả về phải bán nội địa “xả hàng” dẫn đến thua lỗ.

sau-rieng-rot-gia-1-1738673143.jpg
Nhiều vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đến giai đoạn thu hoạch nhưng đầu ra còn khó khăn, giá giảm.(Ảnh minh họa)

Theo một chủ doanh nghiệp thu mua trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, việc kinh doanh trái cây này gần đây gặp nhiều khó khăn, nên qua Tết chưa có lô hàng nào xuất đi.

“Trước Tết, xe mình qua cửa khẩu không được, không phải mấy người ở cửa khẩu không phải không cho qua mà yêu cầu chờ để kiểm tra. Xe mình đậu hoài chờ không nổi phải quay đầu về. Mới đây, chỉ lấy mẫu tại vựa về chất Cadimi và vàng O, công ty kiểm tra xong có kết quả xong, có kết quả sau 2 ngày nếu đạt thì được chạy, còn ra ngoài đó chưa biết sao, không biết cửa khẩu Trung Quốc có hậu kiểm nữa hay không. Do cửa khẩu chưa thông quan nên từ Tết đến giờ chưa dám chạy”, chủ doanh nghiệp này cho hay.

Một số thương lái cũng chung nhận định, những ngày đầu năm, hoạt động xuất khẩu chưa khôi phục hoàn toàn do các quy định kiểm định mới từ Trung Quốc. Nước này tăng cường kiểm tra chất vàng O, một hợp chất có nguy cơ gây ung thư, khiến nhiều lô hàng bị chậm thông quan. Thêm vào đó, nhiều đầu mối thu mua trước đó đặt cọc cao, nay bỏ cọc khi giá xuất khẩu rớt mạnh.

Tại Tiền Giang, 9.300 ha sầu riêng, trong đó 6.000 ha đang cho trái, nhưng diện tích xử lý ra hoa nghịch vụ chỉ đạt 40%, tương đương 2.400 ha và chỉ 30% trong số này đạt chất lượng. Phần lớn bị rụng bông, trái do thời tiết cực đoan.

Ngoài Tiền Giang thì Cần Thơ, Vĩnh Long cũng bước vào thu hoạch trái vụ. So với năm ngoái, sản lượng tại các tỉnh này dự báo tăng mạnh. Nếu xuất khẩu khôi phục như năm ngoái, sản lượng bán ra sẽ tăng cao trong tháng 2. Các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục kiểm nghiệm chất vàng O tại chín trung tâm do Trung Quốc công nhận.

sau-rieng-rot-gia-4-1738673175.jpg
Nhà vườn thu hoạch trái sầu riêng thời điểm này lãi rất ít, thậm chí bị thua lỗ. (Ảnh minh họa)

Trước tình trạng đầu ra trái sầu riêng hiện đang gặp khó, giá giảm, để tháo gỡ khó khăn này, trước hết nhà vườn trồng sầu riêng và doanh nghiệp kinh doanh trái cây này cần chú trọng vấn đề về chất lượng hàng hóa; thực hiện đúng khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để phía nước nhập khẩu đón nhận nguồn hàng chất lượng cao.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu./.

Bình Nguyên