Quảng cáo #128

Định vị tiềm năng, lợi thế của cây chè từ chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm

Nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chè những năm qua, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cây chè có sự phát triển lớn, nhất là trong vòng 2 năm gần đây. Tuy nhiên, còn có một số vấn đề ngành chè đang đối mặt như giá người dân được hưởng từ bán cây chè rất thấp; năng suất chè, giá bán ở các vùng có sự chênh lệch lớn...
phat-trien-ben-vung-nganh-che-4-1730864066.jpg
Cây chè là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây công nghiệp dài ngày trọng điểm. (Ảnh minh họa)

Cây chè có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp

Phát biểu tại "Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao" vừa được tổ chức ngày 5/11, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cây chè là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây công nghiệp dài ngày trọng điểm và có phát tích ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Trong khi đó, cây chè chiếm diện tích lớn ở khực trung du, miền núi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chè những năm qua, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cây chè có sự phát triển lớn, nhất là trong vòng 2 năm gần đây. Ông Doanh nêu số liệu, diện tích chè năm 2000 chỉ đạt khoảng 70.000ha nhưng đến nay đã tăng lên đến 125.000 ha, trong khi năng suất chè năm 2005 đạt 4,9 tấn/ha hiện đã tăng lên đến 10 tấn/ha, tăng gấp hơn 2 lần. Giá bán tăng (nội tiêu và xuất khẩu) từ 1 USD/kg lên 1,74 USD -1,8 USD/kg.

Theo ông Doanh, kết quả này là sự cố gắng chung. Để đóng góp như vậy, có bộ giống và sự đóng góp của viện chuyên ngành với lực lượng khoa học mạnh mẽ, tới hơn 20 tiến sĩ chuyên về chè; canh tác tiến bộ.

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề ngành chè đang đối mặt như giá người dân được hưởng từ bán cây chè rất thấp, bình quân chỉ khoảng 6.000 đồng/kg chè búp. Trong khi đó, giá bán cây ăn quả, cà phê… đang tăng dần. Đây là một vấn đề cần trăn trở.

phat-trien-ben-vung-nganh-che-1-1730864123.jpg
Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đặt vấn đề, cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra, như vậy đây có phải là nguyên nhân khiến “ngại đổi mới”?

Hiện đã có những điểm rất sáng, nhưng vì với cùng một cơ cấu giống, vì sao năng suất chè, giá bán ở các vùng có sự chênh lệch lớn. Cần làm rõ hơn câu chuyện này để tính đến những bước phát triển tiếp theo.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: “Trước đây, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tập trung vào hướng nghiên cứu giống năng suất cao, chất lượng tốt để phát huy kinh tế và nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung phát triển giống có chất lượng cao để đáp ứng sản xuất chè cao cấp.

Đối với tỉnh Lai Châu, Viện đã cung cấp lượng giống lớn. PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Lai Châu cần tập trung vào nhóm giống có năng suất cao và chất lượng tốt để có thể sản xuất cả chè xanh và chè đen, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Đối với Nghệ An, cần phát triển giống chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác người dân. Vì vậy, nếu có chủ trương thay đổi giống cũ thì cần xem xét về quy mô bởi các giống chè chất lượng cao hiện nay cần điều kiện canh tác lớn...

Việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp

Cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.

Ông Mạnh cho biết, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.

“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết.

phat-trien-ben-vung-nganh-che-2-1730864159.jpg
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm những giống chè chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.

phat-trien-ben-vung-nganh-che-5-1730864208.jpg
Việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó. (Ảnh minh họa)

Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Oolong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.

Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè./.

Tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.

Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Đồng thời, công tác quản lý cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Bộ NN&PTNT đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè. Với thành phẩm đầu ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm chè như: bifenthrin là 30 ppm, buprofezin là 30 ppm, chlorpyrifos là 2 ppm, clothianidin là 0,7 ppm.

Dư lượng kim loại nặng trên chè cũng được quy định chi tiết, như giới hạn ô nhiễm arsen là 1 ppm, ô nhiễm chì là 2 ppm, ô nhiễm thủy ngân là 0,05 ppm.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè, xuất khẩu chè đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.

Trọng Bình