Quảng cáo #128

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ củng cố vị thế và thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng; đóng góp không nhỏ cho quá trình gia nhập thị trường nước ngoài cũng như quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
xay-dung-thuong-hieu-2-1735114914.jpg
Nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.(Ảnh minh họa)

Từ câu chuyện xây dựng nhãn hiệu gạo

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), xu hướng tiêu dùng hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây người dân có thói quen mua gạo tại các cửa hàng được bày bán theo hình thức nhiều chủng loại, đựng trong các thúng thì hiện nay, bà con ưu tiên lựa chọn những túi gạo được đóng gói sẵn với nhãn hiệu rõ ràng.

Điều này khẳng định, nhãn hiệu gạo góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng nhận biết của người tiêu dùng. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, cả nước hiện có khoảng 300.000 nhãn hiệu được bảo hộ trong tất cả các lĩnh vực, trong đó các sản phẩm ngành nông nghiệp chiếm khoảng 16%.

xay-dung-thuong-hieu-1-1735114963.jpg
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá tổng quan về sở hữu trí tuệ và các giải pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực lúa gạo.(Ảnh CTV)

Tuy nhiên, ông Bảy cũng chỉ ra thực trạng xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, hàng giả mạo nhãn hiệu rất nhiều. Như trường hợp nhãn hiệu Gạo Ông Cua của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, những túi gạo ST25 có rất nhiều nhà cung cấp. Vấn đề đặt ra khi nói đến giống lúa ST25 thì ai tạo ra, giống đó có được bảo hộ không. Hay trên túi gạo chỉ thể hiện đơn vị cung cấp, không có chủ sở hữu nhãn hiệu cụ thể.

Thậm chí, có trường hợp mẫu mã, bao bì sản phẩm hoàn toàn giống với nhãn hiệu Gạo Ông Cua nhưng bên trong là một sản phẩm gạo bình thường, không phải được tạo ra từ giống lúa ST25.

Theo ông Bảy, một sản phẩm khi đưa ra thị trường nếu không được phép sản xuất hoặc mua bán giống lúa thì đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, theo thói quen sản xuất truyền thống của nông dân, sau khi thu hoạch lúa bà con sẽ giữ lại một phần để làm giống cho vụ sau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa giống, làm giảm chất lượng sản phẩm qua từng mùa vụ.

Vấn đề đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường quốc tế cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Australia… có tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị cạnh tranh không lành mạnh.

“Sản phẩm đi ra thị trường nước ngoài có nhiều câu chuyện. Trường hợp có 2 đơn vị cùng thực hiện đăng ký một nhãn hiệu tương tự nhau, đơn vị nộp trước sẽ được cấp bằng. Đăng ký nhãn hiệu ở nước nào thì bảo hộ ở đó. Như nhãn hiệu Gạo Ông Cua nếu đăng ký ở Việt Nam thì chỉ chống những người khác sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam. Còn ở những nước khác, ai muốn dùng thì dùng”, ông Bảy cho biết.

xay-dung-thuong-hieu-4-1735115006.jpg
Hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài cho doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của địa phương đã và đang được nhiều địa phương quan tâm.(Ảnh minh họa)

Cần sự chủ động của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Theo ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia/đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ là khoảng 50.000, nhưng chỉ có khoảng 280 đơn đăng ký quốc tế. Việc đăng ký ra nước ngoài không quá khó, nhưng vấn đề nhận thức là rào cản lớn.

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), lượng đơn Nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam được nộp tại các Cục, Cơ quan Sở hữu trí tuệ ở nước ngoài trong năm 2022 là hơn 4.900 đơn, chiếm 9,4% tổng lượng đơn có nguồn gốc Việt Nam, tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2018. Trong số các Cơ quan Sở hữu trí tuệ nước ngoài, USPTO (Mỹ) là nơi nhận nhiều đơn có nguồn gốc Việt Nam nhất với 1.049 đơn, tiếp đến là Hàn Quốc (104 đơn), Nhật Bản (96 đơn), Úc (87 đơn) và EU (83 đơn).

Mặc dù vậy, số lượng đơn nhãn hiệu được nộp tại nước ngoài của Việt Nam còn khá khiêm tốn và chủ đơn đa phần là các doanh nghiệp lớn như VinGroup, NutiFood, AceCook… Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần chưa quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, họ cũng chưa biết có cơ hội đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra nước ngoài hay không để thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt về thủ tục đăng ký, sợ tốn kém thời gian, chi phí...

xay-dung-thuong-hieu-3-1735115044.jpg
Nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu và mang tính chất trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là khi xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 9/9/2021 quy định về quản lý tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó nêu rõ mức chi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn. Mức hỗ trợ này tương đối phù hợp với mức phí cần phải chi trả tại nước ngoài nhưng trên thực tế, hoạt động hỗ trợ chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi tiếp cận nguồn ngân sách.

Hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài cho doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của địa phương đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, tích cực triển khai, phù hợp với định hướng và nội dung Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu và mang tính chất trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là khi xuất khẩu ra nước ngoài. Để nhãn hiệu được bảo hộ thì việc đăng ký ở đâu, quốc gia nào là điều rất quan trọng. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh./.

Trọng Bình