Thái Nguyên phát triển cây chè và các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Đối với tỉnh Thái Nguyên, chè là cây kinh tế chủ lực và đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, sản phẩm “Chè Thái Nguyên” là đặc sản đặc trưng cho địa phương, sản xuất chè đang góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
unnamed-1634032700.jpg
Thái Nguyên phát triển cây chè và các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Để nâng cao giá trị cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó chè được xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh... 

Qua thống kê sơ bộ của Hội chè Thái Nguyên, hiện nay, tổng diện tích chè của tỉnh có trên 22.000 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 19.754 ha; năng suất bình quân đạt 123,74 tạ/ha, tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt 82%; diện tích chè an toàn được chứng nhận VietGAP là 2.600 ha, được chứng nhận hữu cơ là 150 ha; sản lượng chè búp tươi trên 244.000 tấn, sản lượng chè qua chế biến 49.000 tấn, trong đó, sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao đạt trên 39.000 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng. Tổng giá trị sản phẩm chè (năm 2020) đạt trên 5.400 tỷ đồng, chiếm 43% cơ cấu giá trị ngành trồng trọt, giá trị sản phẩm bình quân/ha đạt 270 triệu đồng/năm. 

Là một trong những huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh, huyện Phú Lương phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích chè đạt trên 4.100 ha với sản lượng 44.600 tấn chè búp tươi (tương đương 8.950 tấn chè búp khô)/năm, diện tích chè  được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và GAP khác là 690 ha, iá trị sản xuất chè đạt khoảng 1.330 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên mỗi ha đất trồng chè đạt từ 300 đến 350 triệu đồng.

Bên cạnh cây chè, huyện cũng chủ trương đến năm 2025 mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp vải đạt 200 ha, sản lượng đạt 900 tấn, giá trị sản xuất gạo Nếp vải đạt 13,5 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 66 - 67 triệu đồng/ha/vụ; duy trì diện tích rừng đạt trên 13.300 ha, năng suất 80m3/ha/chu kỳ, giá trị đạt hơn 859 tỷ đồng; phát triển đàn gà đạt trên 1 triệu con gà thịt, giá trị sản xuất chăn nuôi gà đến năm 2025 đạt trên 160 tỷ đồng... Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 có 13 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng sao; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm chè OCOP đạt 5 sao....

Để đạt được các mục tiêu này, riêng đối với cây chè, Phú Lương tăng cường thúc đẩy hợp tác sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo các quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín có quy mô với thiết bị đồng bộ. Đối với các tập thể, hộ chế biến quy mô nhỏ, huyện triển khai hỗ trợ thay thế các thiết bị chế biến bằng inox hoặc thép không gỉ, đa dạng các sản phẩm từ chè như: bánh trà, kẹo trà, trà túi lọc, bột trà matcha...

Huyện tiếp tục trồng mới, trồng thay thế chè theo quy hoạch; trong đó chú trọng thay thế các diện tích chè già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, TRI 777, Bát Tiên, Hương Bắc Sơn.... chiếm khoảng 70 - 75% diện tích; đồng thời giữ khoảng 25 - 30% diện tích chè trung du, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh chè, hướng dẫn quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và GAP khác tại các vùng chè tập trung, tích cực đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến, bảo quản chè theo hướng sử dụng công nghệ cao, đa dạng hoá các sản phẩm chè.

Phú Lương duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, xúc tiến chứng nhận nhãn hiệu tập thể “chè Phú Lương”, đề xuất đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Yên Lạc”, “Chè Phú Đô”, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm...

Đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác, Phú Lương quy hoạch vùng sản xuất lúa Nếp vải tập trung với diện tích 200 ha, trong đó tập trung tại 5 xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch, hoàn thiện liên kết chuỗi giá trị trở thành hàng hoá chất lượng theo hướng bền vững đảm bảo các khâu từ: “sản xuất - chế biến - tiêu thụ”; hướng tới đạt sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Các sản phẩm từ gạo Nếp vải như: Gạo, cốm, bánh chưng,... được xây dựng, phát triển và cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đối với sản phẩm gỗ, huyện khuyến khích các cơ sở chế biến gỗ đổi mới công nghệ, giảm tỷ lệ sản phẩm chế biến thô và chuyển sang chế biến tinh, sâu; thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm: ván HDF, ván thanh, ván sàn, ván ốp tường, viên nén mùn cưa, than không khói, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ xuất khẩu… ngay tại các vùng nguyên liệu tập trung.

Bên cạnh đó, Phú Lương khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên doanh liên kết đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giết mổ, chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, gà để nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn...

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, huyện dự kiến dành khoảng 41 tỷ đồng đồng cho chương trình phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 5,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, còn lại là đối ứng từ nhân dân và huy động từ các nguồn khác...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp huyện phát triển ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất chè, vùng sản xuất lâm nghiệp, vùng trồng lúa… Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã xây dựng được thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao như chè và các sản phẩm từ chè; chăn nuôi dần chuyển dịch từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp và phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp...

Tuy vậy, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Phú Lương vẫn còn một số hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng còn chậm, diện tích, số lượng các loại cây trồng, vật nuôi được cấp chứng nhận an toàn, hữu cơ còn ít, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, sản xuất phân tán, còn mang tính tự phát, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa nhiều...

Do đó, trong giai đoạn mới Phú Lương sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng quy mô sản xuất đối với những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng lợi thế và hiệu quả kinh tế cap, phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.