Ngày 05/11/2024 tại thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Cục Trồng trọt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đã phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” tại Phú Thọ - một trong những địa phương sản xuất chè trọng điểm của cả nước.
Diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023. Trong đó, riêng với cây chè, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè. Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây trồng khác sang trồng chè chất lượng cao. Các yêu cầu thị trường đối với sản phẩm chè, đồng thời giải đáp những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè an toàn, chất lượng cao.
Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha trong khoảng thời gian này. Điều này đạt được là do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Tuy diện tích giảm nhưng do năng suất tăng nên sản lượng chè năm 2022 đạt 1,125 triệu tấn, tăng 125.000 tấn so với năm 2015.
Năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11% về giá trị so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng và sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè”.
Chè nước ta được xuất đến trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Hiệp hội Chè Việt Nam cũng nhận định, ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững với nhiều đơn vị sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đa số các doanh nghiệp chè hiện nay đều ý thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như thách thức từ các rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu. Đồng thời, thị trường nội địa cũng ghi nhận sản lượng tiêu dùng ngày càng tăng khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm có chất lượng, uy tín và nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, từng bước giữ vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, cần đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nâng cao năng lực chế biến chè; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế…
Những giải pháp này không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, mà là cả hành trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhưng ngay từ bây giờ, việc thay đổi tư duy thời đại mới, minh bạch, trách nhiệm sẽ mở ra một con đường thương mại mới cho ngành chè Việt Nam trong tương lai không xa./.