Quảng cáo #128

Cần có thêm nhiều giải pháp cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD. FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như: công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn, công nghệ xanh… Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng thay đổi, cần có thêm nhiều giải pháp cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-2-1735197475.jpg
Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35% - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.(Ảnh minh họa)

Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD

Với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào KCN (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng,…), mô hình KCN là một trong những giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Theo Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), đến hết tháng 11/2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước).     

FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như: công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn, công nghệ xanh… Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng thay đổi, cần có thêm nhiều giải pháp cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.        

TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam cho rằng, Marketing thu hút FDI không phải là hoạt động của mỗi doanh nghiệp khu công nghiệp mà còn là xây dựng thương hiệu địa phương. Do đó, sự kết hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan chính quyền địa phương rất quan trọng. Cùng sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và các chính sách chung của quốc gia, các bên cùng nhau triển khai nghiên cứu, phân tích giá trị của các nhà đầu tư nước ngoài cần cho địa phương để tạo ra chiến lược sản phẩm thu hút đầu tư.

"Chiến lược phối hợp giữa doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp, chiến lược phát triển khu công nghiệp của tỉnh với cơ quan thực hiện xúc tiến đầu tư, thu hút FDI của từ việc xác định nhóm doanh nghiệp đúng với chiến lược quy hoạch của khu công nghiệp, địa phương đến các cách thức, công cụ tiếp cận. Thứ hai, cần xây dựng sự hợp tác giữa cơ quan đại diện của địa phương với ban quản lý khu công nghiệp để làm chương trình xúc tiến hay tháo gỡ khó khăn của chính sách, văn bản,…", TS Huỳnh Phước Nghĩa nói.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-1-1735197518.jpg
Ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam năm 2024. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, hàng năm, có khoảng 250-350 đoàn lãnh đạo các địa phương Việt Nam đi công tác nước ngoài, trong đó khoảng 75-80% các đoàn có nội dung về xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài.        

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, các hoạt động xúc tiến và quảng bá, đồng thời mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với 94 đại sứ quán và tổng lãnh sự quán, có thể hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động.

"Nội dung chính của các đoàn công tác địa phương là phải xúc tiến đầu tư, thương mại thì cũng nên có mô hình công ty kết hợp có thể tham gia. Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành Trung ương có thể giúp việc này khi chúng tôi có các cơ quan đại diện thì có thể trao đổi với tôi. Tôi cũng muốn các địa phương, các vùng đi với nhau mới có sự bổ trợ cho nhau hơn là từng đoàn riêng lẻ. Ở khu công nghiệp, chúng ta có thể đưa ra chính sách thế nhưng chắc chắn lãnh đạo địa phương có tiếng nói uy tín hơn, sự khẳng định cam kết chính trị cao hơn rất nhiều", ông Nguyễn Đồng Trung lưu ý, các đơn vị cần khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của các ban bộ ngành trong triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Tăng cường đối thoại hỗ trợ và kết nối nhà đầu tư với chính quyền địa phương

Các chuyên gia cũng cho rằng, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN chưa đáp ứng yêu cầu; liên kết, hợp tác trong KCN giữa các khu với nhau và giữa KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế; KCN phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hiệu quả sử dụng đất tại KCN chưa cao;…

Với điều kiện kinh tế, hạ tầng giao thông còn hạn chế trong khi lợi thế giá thuê đất, giá nhân công rẻ đang mất dần, hơn 10 năm qua, KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long vẫn thu hút 32 dự án FDI từ các nước Đông Á và châu Âu.        

Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Hà Duy Tín, Phó Chủ tịch VIREA kiêm Tổng Giám đốc KCN Hòa Phú – Vĩnh Long cho biết, Hòa Phú đã chủ động liên hệ, tăng cường đối thoại để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, kết nối họ với chính quyền địa phương. Khi đã chăm sóc tốt khách hàng, các đối tác thuê đất tại KCN Hòa Phú kêu gọi nhiều nhà đầu tư khác từ các nước tới thuê đất tại Vĩnh Long, góp phần truyền đi hình ảnh tích cực của các khu công nghiệp và địa phương.

"Tôi nghĩ chính sách marketing hiệu quả nhất đó là chủ đầu tư khu công nghiệp và con người hiệu quả hơn so với tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, thường rất là tốn kém. Bởi vì đã đầu tư ở Việt Nam, người ta phát triển kinh tế hơn mình cả trăm năm nên đầu tư ở đâu tốt là người ta đã biết. Do đó, quan trọng nhất là con người, phải đối xử với nhà đầu tư chân thành, uy tín thì sẽ thu hút được đầu tư hiệu quả", ông Hà Duy Tín nhận định.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-3-1735197463.jpg
11 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa)

Trong xu hướng chuyển đổi hiện nay, yếu tố con người có vai trò đặc biệt quan trọng. TS Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM bày tỏ, việc đào tạo nhân lực cần có sự nâng cấp mạnh mẽ nhằm đáp ứng điều kiện của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bởi vậy, các cơ sở đào tạo cần chuyển đổi định hướng về đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy gắn với thực tế.

"Những vấn đề về thực tiễn hay tương lai, các trường đại học có thể có bức tranh, nhưng cụ thể thì phải cần thông tin từ doanh nghiệp. Thầy cô có thể nói các chủ đề như năng lượng thế kỷ 21, nhu cầu chuyển đổi số, quy hoạch, logistic. Nhưng cụ thể tại Vĩnh Long, Long An, KCN VSIP… cần gì. Cái này tôi nghĩ chúng ta nên đối thoại với nhau", TS. Ngô Minh Hải lưu ý.

Cụ thể, theo ông Hải, để triển khai thành công mô hình mới, nhà trường và doanh nghiệp cần có cuộc đối thoại nhằm phân tích nhu cầu đào tạo, thiết kế chương trình giảng dạy. Chương trình cần phân rõ những phần nào nhà trường giảng dạy, cái gì doanh nghiệp đào tạo và nội dung phải có sự kết nối hoàn chỉnh. Sau đó, thầy và trò cũng phải làm ra kết quả cụ thể và trưởng thành từ những thất bại thì kiến thức hàn lâm mới đi vào thực tiễn.      

Theo các chuyên gia, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cho một địa phương ngoài việc giá trị đem lại cho nhà máy còn liên quan đến lao động, an sinh xã hội, an ninh trật tự, nơi ở, môi trường sống của các chuyên gia. Do vậy, các doanh nghiệp, các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cần xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch xúc tiến, kết nối với những lộ trình, phương án cụ thể; có cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục những hạn chế. Cùng với đó, cần nghiên cứu kĩ để hiểu rõ đối tác, trong đó phải chú ý các yếu tố về văn hóa, lịch sử, sở thích của từng đối tác khác nhau.

Chia sẻ quan điểm về ý kiến của Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, bà Kim Khánh – Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam (VIZ), cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của thế giới thì các khu công nghiệp của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng.

Cho rằng chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, phương thức xúc tiến hiện nay, bà Kim Khánh đề xuất, các chủ đầu tư, lãnh đạo các KCN cần đoàn kết đồng lòng để tập trung nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ để cùng nhau đi xúc tiến, tiếp cận các chủ đầu tư lớn của thế giới. Khi đó, chúng ta mới thực sự là một "thế lực", một đối tác xứng tầm với những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới./.

Bình Nguyên