Quảng cáo #128

Xanh hóa các Khu công nghiệp: Tạo lực hấp dẫn luồng vốn FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường

Hiện nay, các khu công nghiệp Việt Nam đang hướng tới mô hình thông minh và bền vững, đây được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
xanh-hoa-khu-cong-nghiep-1-1734925283.jpg
Hiện nay, nhiều KCN đã chú trọng trong chuyển đổi thành KCN thế hệ mới thông minh bền vững trong kỷ nguyên mới. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Do các cơ sở sản xuất được tập trung trong KCN, khu chức năng trong KKT nên công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp nằm ngoài các khu này, đặc biệt là công tác xử lý nước thải, chất thải rắn. Vì vậy, có thể nói các KCN, KKT đóng vai trò quan trọng có ý nghĩa hàng đầu trong quá trình chuyển đổi "xanh" của nền kinh tế.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu

Chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 vừa được tổ chức, với chủ đề: "Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam" tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, lực lượng lao động năng động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ, sự cởi mở trong hợp tác thương mại, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Trong đó, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.

Đáng chú ý, FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh (tính đến ngày 30/9/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới).

"Chúng ta đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, thành thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao", ông Nguyễn Đồng Trung nói.

xanh-hoa-khu-cong-nghiep-2-1734925314.jpg
Ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam năm 2024. (Ảnh CTV)

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đồng Trung, công tác thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các KCN hiện nay vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ông Trung nhấn mạnh việc doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác nước ngoài, khi đó không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp đó, mà còn là câu chuyện xúc tiến cho hình ảnh quốc gia.

Ông Nguyễn Đồng Trung đã đưa ra một số gợi ý nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước hết, khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của các ban bộ ngành trung ương trong triển khai các hoạt động này. "Bộ Ngoại giao sẵn sàng là đầu mối phối hợp với các tổ chức, khu công nghiệp, địa phương để cùng nhau tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài hoặc mời các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam", ông Trung nói.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo, nắm bắt những xu thế, chuyển động của đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực được xác định ưu tiên tạo đột phá cho sự phát triển bền vững như lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…. Từ đó, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để kiến nghị, xây dựng những chính sách thu hút đầu tư phù hợp.

Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Trong đó, khuyến nghị đầu tư thích đáng cho các nội dung trình bày, hình thức quảng bá...Bên cạnh đó, có thể xem xét việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hiệp hội, theo Vùng kinh tế hoặc các cụm địa phương, xây dựng hệ sinh thái các khu công nghiệp để phát huy sức mạnh tập thể, lợi thế cạnh tranh, bổ trợ giữa các vùng miền.

Cuối cùng cần quan tâm hơn nữa đến tạo lập niềm tin, gỡ điểm nghẽn cho các nhà đầu tư. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu về môi trường, ưu đãi khi đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng rất quan trọng.

"Khi những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết, việc sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi, thì chính các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ là các ví dụ tiêu biểu để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khác, truyền đi thông điệp, hình ảnh tích cực của các khu công nghiệp, của địa phương", ông Nguyễn Đồng Trung nhấn mạnh.

xanh-hoa-khu-cong-nghiep-3-1734925352.jpg
Các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. (Ảnh minh họa)

Phát triển khu công nghiệp theo hướng các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường

Tại diễn dàn, các chuyên gia cũng cho rằng, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN chưa đáp ứng yêu cầu; liên kết, hợp tác trong KCN giữa các khu với nhau và giữa KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế; KCN phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hiệu quả sử dụng đất tại KCN chưa cao;…

Theo ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững-Tổ chức IDH (Hà Lan), cho biết các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. IDH nhận thấy các khu công nghiệp ở Việt Nam còn thiếu diễn đàn để có thể cùng với nhau chia sẻ thông tin cũng như những vướng mắc, đề xuất các ý kiến, kiến nghị góp phần phát triển các khu công nghiệp Việt Nam theo hướng thông minh và bền vững.

Hiện nay, các khu công nghiệp Việt Nam đang hướng tới mô hình thông minh và bền vững, đây được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec, đơn vị đầu tiên ứng dụng tiêu chí ESG vào hoạt động quản trị khu công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cho biết để chuyển đổi sang sinh thái xanh bền vững, các khu công nghiệp cần đáp ứng nhiều tiêu chí gắt gao. Từ vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, thu hút doanh nghiệp xanh...

Các yếu tố này khiến chi phí đầu tư phát triển một khu công nghiệp xanh rất lớn khi phải đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hệ thống năng lượng tái tạo và các chương trình cộng đồng...

xanh-hoa-khu-cong-nghiep-5-1734925264.jpg
Thời gian tới, TPHCM sẽ ban hành bộ tiêu chí riêng để các KCN muốn tiếp tục thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí này, trong đó tập trung theo hướng các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. (Ảnh minh họa)

Ông Đào Xuân Đức-Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) thông tin, TPHCM sẽ tiến hành tái cấu trúc các KCN của Thành phố. Thành phố đang chọn 5 KCN thí điểm trong đó có KCN Hiệp Phước. Đồng thời, sắp tới đây TPHCM sẽ ban hành bộ tiêu chí riêng để các KCN muốn tiếp tục thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí này, trong đó tập trung theo hướng các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Theo ông Đào Xuân Đức, TPHCM có chương trình riêng như đối với doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp sinh thái, doanh nghiệp "xanh" sẽ được ưu tiên vay vốn kích cầu; các doanh nghiệp sinh thái sẽ được hưởng thuế ưu đãi giống như các doanh nghiệp công nghệ cao. Đối với thời gian thuê đất, các doanh nghiệp đang chuyển đổi do đó chi phí bỏ ra không ít lại sắp đến thời gian thu hồi đất, vì vậy có thể gia hạn thời gian thuê đất.

TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho rằng các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi do áp lực từ quốc tế và mô hình KCN đã tồn tại quá nhiều năm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phải phù hợp năng lực, lộ trình; thông minh trong việc lựa chọn cách tiếp cận, tư duy về KCN phù hợp kinh tế địa phương.

TS Bùi Thanh Minh cũng cho biết, hiện nay, quỹ đất có vị trí thuận lợi tại các khu vực công nghiệp trọng điểm ngày càng khan hiếm, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ, thủ tục pháp lý trong các khu công nghiệp còn nhiều vướng mắc. Trong bối cảnh đó, các KCN cần phát triển theo hướng một hệ sinh thái toàn diện. KCN phải trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách về vốn, công nghệ./.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến hết tháng 12/2022, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD, đã giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động.

Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 50% giá trị kim ngạch xuất của cả nước hàng năm.

Tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới trên 20%, một số địa bàn có khu kinh tế ven biển, tỷ lệ này đạt trên 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An).

Những năm gần đây, mỗi năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 221,3 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế khoảng 9,3 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 212 tỷ USD.

Trọng Bình