Số hóa nông nghiệp được hiện thực hóa trên những vùng chè Thái Nguyên

Để cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 51 mã số vùng trồng, trong đó có 26 mã số vùng trồng trên cây chè.
so-hoa-nong-nghiep-thai-nguyen-04-1728618258.jpg
Bằng công nghệ chuyển đổi số, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân gửi đến khách hàng trong và ngoài nước qua thiết bị hỗ trợ livestream. (Ảnh minh họa)

Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng

Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng; quản lý diện tích trồng; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc; báo cáo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng; ước lượng năng suất…

Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Là một trong những đơn vị hiếm hoi xuất khẩu chè ổn định sang thị trường châu Âu, ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) nhấn mạnh, mã số vùng trồng chính là "tấm hộ chiếu” đưa chè Khe Cốc vươn ra thị trường quốc tế.

Hiện nay HTX Chè an toàn Khe Cốc có 40ha chè được cấp mã số vùng trồng, trong đó 20ha đã đạt chứng nhận hữu cơ, dự kiến 20ha còn lại sẽ đạt chứng nhận hữu cơ vào đầu năm 2025. Với diện tích được cấp mã số vùng trồng lớn, ông Khiêm đặc biệt lưu tâm tới việc quản lý và giám sát vùng trồng.

“Mã vùng trồng giúp sản phẩm trà Thái Nguyên được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Tuy nhiên nếu thiếu minh bạch, vi phạm quy định, gian dối…, sản phẩm sẽ bị tuýt còi, thậm chí mất thị trường và bị đưa vào danh sách đen”, ông Khiêm chia sẻ.

so-hoa-nong-nghiep-thai-nguyen-2-1728618239.jpg
Hiện nay HTX Chè an toàn Khe Cốc có 40ha chè được cấp mã số vùng trồng, trong đó 20ha đã đạt chứng nhận hữu cơ. (Ảnh minh họa)

Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc khẳng định, mã vùng trồng là sự đảm bảo minh bạch về sản lượng: “40ha được cấp mã vùng trồng, nhà nhập khẩu sẽ lấy đó làm căn cứ cho năng lực sản xuất và sản lượng HTX có thể cung ứng. Chúng tôi không thể gian dối sản lượng vượt năng suất từ 40ha đã được cấp mã”.

Với những nỗ lực đó, tỉnh Thái Nguyên là địa phương luôn trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số, đặc biệt quan tâm đến số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương, đơn vị luôn đồng hành với hơn 760 HTX, hơn 4.500 tổ hợp tác trong chuyển đổi số.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của chuyển đổi số. Trong đó tập trung chuyển đổi số gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thông qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và xây dựng được các thương hiệu sản phẩm tốt, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Minh bạch trong sản xuất, thuận lợi trong quản lý giám sát

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 51 mã số vùng trồng, trong đó có 26 mã số vùng trồng trên cây chè. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiến hành lập kế hoạch giám sát mã số vùng trồng đã cấp theo đúng hướng dẫn và quy định của Bộ NN&PTNT.

Thay vì phải trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn mất nhiều thời gian, việc giao tiếp qua các ứng dụng số đã số thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan quản lý và cơ sở, việc truyền tải thông tin, tài liệu, những quy định liên quan đến mã số vùng trồng chi tiết và chính xác hơn.

Dữ liệu về mã số vùng trồng được cập nhật trên ứng dụng số với các thông tin về định vị vùng trồng trên bản đồ, chi tiết về diện tích của các hộ dân tham gia. Các vùng trồng muốn đăng ký cấp mã số hiện nay có thể đăng ký trên hệ thống thông qua Cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt trên trang web https://csdltrongtrot.mard.gov.vn.

Việc cơ sở được cấp mã số vùng trồng sử dụng các tài khoản vùng trồng, sử dụng nhật ký đồng ruộng Fardiary đã giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc theo dõi và giám sát định kỳ.

so-hoa-nong-nghiep-thai-nguyen-3-1728618337.jpg
Chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Thái Nguyên phát huy hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Theo Sở NN&PTNT Thái Nguyên, hằng năm, Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tập trung đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng, thương mại điện tử cho cán bộ, người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó, giúp nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thương mại sản phẩm nông nghiệp.

Nhận thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, qua đó, mở rộng được thị trường, giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng.

Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng các nền tảng số và các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm, tìm thị trường cho sản phẩm, hình thành nên chuỗi liên kết giá trị bền vững. Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp ngày càng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để tăng năng lực chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả cán bộ và nông dân.

“Hiện nay máy tính của đơn vị đều được trang bị từ lâu, niên hạn sử dụng từ 5 - 10 năm, cấu hình thấp. Vì vậy, việc lưu các dữ liệu phần mềm trên máy tính ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của máy, do dung lượng bộ nhớ đầy, máy chạy chậm nên xử lý dữ liệu chưa nhanh.

Vì vậy thời gian tới cần tập trung trang bị máy tính, đặc biệt là máy tính đặc thù cho cán bộ làm công tác chuyển đổi số, xử lý thủ tục hành chính. Rất cần tăng cường bảo mật an ninh trên hệ thống thông tin của đơn vị tránh bị nhiễm các mã độc”, ông Nguyễn Tá bày tỏ./.

Bình Châu