Diện tích trồng sầu riêng tăng mạnh nhưng được cấp mã số còn khiêm tốn là rào cản cho xuất khẩu

Theo Cục Bảo vệ thực vật, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Đã đến lúc cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng hơn là phát triển diện tích vùng trồng ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng.
ma-so-vung-trong-sau-rieng-3-1725371577.jpg
Đến nay, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đã cấp phép cho hơn 700 mã số vùng trồng và gần 200 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến nay, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đã cấp phép cho hơn 700 mã số vùng trồng và gần 200 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng được cấp mã số mới chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha, chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của ngành hàng này.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Đã đến lúc cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng hơn là phát triển diện tích vùng trồng ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đề nghị phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng thêm các vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao.

“Chúng ta cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương” - ông Nguyễn Quang Hiếu nói.

ma-so-vung-trong-sau-rieng-2-1725371618.jpg
Sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. (Ảnh minh họa)

Hiện Đồng bằng song Cửu Long có khoảng 33.000ha trồng sầu riêng. Trong đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng còn khá khiêm tốn, có nơi chưa tới 5%. Để cải thiện con số này, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp.

Ông Đặng Thanh Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết: "Tăng cường tập huấn cho bà con nắm, hiểu rõ lợi ích khi vùng trồng đó đã được gắn mã số, cụ thể là hiểu được những yêu cầu quy định và chúng ta phải ghi chép sổ tay, phải cùng một quy trình quản lý".

"Có mã số vùng trồng, tức là hàng của anh đã được kiểm tra ban đầu rồi thì việc thông quan tương đối dễ, người ta sẽ cho anh vào. Nếu không có mã số vùng trồng dứt khoát người ta không cho, nó giống như một cái visa", ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.

ma-so-vung-trong-sau-rieng-1-1725371552.jpg
Đã đến lúc cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng hơn là phát triển diện tích vùng trồng ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng. (Ảnh minh họa)

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng mang về cho nước ta 2,3 tỷ USD. Con số kỷ lục này sẽ chưa dừng lại đó, nếu nhà vườn và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa việc định danh vùng trồng, sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo an toàn và chinh phục được các thị trường khó tính.

Việc đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, để sầu riêng Việt Nam đứng vững trên thị trường trước sức ép gay gắt từ Thái Lan, Malaysia. Trước tình trạng tăng trưởng "nóng" về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh trong thời gian qua, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại các vùng trồng và quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi./.

Bình Nguyên