Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, hiện nay tỉnh có vùng chuyên canh khoảng 22.000 ha sầu riêng với sản lượng khoảng 440.000 tấn quả, tập trung chủ yếu tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây gồm Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy.
Nếu so với định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, diện tích sầu riêng chuyên canh đã vượt kế hoạch theo dự kiến lên đến 4.720 ha.
Qua đánh giá, diện tích cây trồng đặc sản này tăng trưởng nóng trong thời gian qua do sầu riêng được giá, người trồng lãi cao nên nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng đặc sản.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, việc nông dân tăng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, không theo định hướng và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Điều dễ thấy là nguy cơ cung vượt cầu chưa kể bị thiệt hại nếu trồng tại các vùng ngoài qui hoạch, có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp cho cây sầu riêng như: vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn, vùng không chủ động được nguồn nước tưới tiêu…
Trước tình hình trên và để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng nóng diện tích sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang tăng cường quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cây trồng trong nông dân, nhất là chuyển đổi sang trồng sầu riêng đồng thời phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chỉ phát triển diện tích trồng sầu riêng đúng theo quy hoạch tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng đến năm 2025;" Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang” và Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa tỉnh Tiền Giang.
Tỉnh cũng đã ban hành quy trình tạm thời hướng dẫn canh tác sầu riêng trong vùng đề án, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phải phù hợp quy hoạch cũng như kết hợp phát triển hạ tầng giao thông-thủy lợi vùng chuyên canh tương ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các cấp, các ngành rà soát lại hiện trạng sản xuất trong thực tế, trên cơ sở đó đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh định hướng phát triển cây sầu riêng của tỉnh đến năm 2030 phù hợp với thực trạng của địa phương và quy hoạch cây ăn trái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đặc biệt, Sở tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại các địa phương. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn những trường hợp chuyển đổi cây trồng không phù hợp quy hoạch nói chung, chuyển đổi sang trồng sầu riêng không đúng quy hoạch nói riêng.
Ngoài ra, Tiền Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp nông dân chuyển đổi sang trồng và thâm canh sầu riêng đạt hiệu quả cao. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang xây dựng và phổ biến Quy trình tạm thời hướng dẫn canh tác cây sầu riêng trong vùng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang” để chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, hội thảo, hướng dẫn các quy trình và kỹ thuật canh tác cây trồng chuyển đổi trên nền đất lúa, chủ yếu là sầu riêng. Nhờ vậy, thiết thực hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học công nghệ thâm canh, sử dụng phân bón và vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả, giúp nâng chất lượng trái sầu riêng tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao. Qua đó, giúp bà con dựng nên cơ nghiệp và đổi mới nông nghiệp, nông thôn./.