Đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số tại Thanh Hóa

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ về chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng nền tảng số quốc gia. Sau 2 năm triển khai thực hiện tỉnh Thanh Hóa đã tạo chuyển biến tích cực.
chuyen-doi-so-1701006238.jpg
Mô hình công trình Thanh niên chuyển đổi số tại TP Sầm Sơn.

Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kế hoạch, đồng bộ triển khai số hóa về kinh tế xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 21/3/2022 về triển khai thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 2 năm triển khai, hạ tầng viễn thông, Internet được tập trung đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp viễn thông từng bước mở rộng mạng lưới với công nghệ hiện đại phục vụ đến tất cả các vùng miền. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, Chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...

Theo số liệu thống kê, đến nay, trên toàn tỉnh Thanh Hóa có 9.399 trạm BTS được lắp đặt tại 3.920 vị trí; 14 trạm chuyển mạch cố định và 2.785 thiết bị truy nhập Internet cáp quang.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang làm gọn khoảng 250 km; phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; có 100% số thôn/bản đã được phủ sóng thông tin di dộng 3G/4G, hiện còn 02 thôn có chất lượng sóng di động yếu thuộc khu vực huyện Mường Lát là bản Lách (xã Mường Chanh) và bản Trung Tiến I (xã Mường Lý).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 về Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh, gồm 60 cơ sở dữ liệu dùng chung và 20 dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Cổng Dữ liệu mở của tỉnh (opendata.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào triển khai, sử dụng, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.

Tính đến ngày 10/11/2023, có 234 bộ cơ sở dữ liệu mở thuộc 10 lĩnh vực đã hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công; hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Xác định nhân lực số là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của quá trình chuyển đổi số, UBND tỉnh xã xây dựng Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 14.478 thành viên tham gia. Hằng năm, đã tổ chức cho hơn 2.500 học viên là cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức 07 lớp tập huấn kiến thức về kỹ năng số, biên tập tin bài để tuyên truyền, nâng cao nhận thức với 630 học viên; 06 lớp về chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã cho 540 học viên và tổ chức các hội nghị tư vấn các mô hình, nền tảng về chuyển đổi số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh cho hơn 6.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay đa số đã chủ động áp dụng tốt các nền tảng số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, văn phòng điện tử E-Office, tiếp cận vốn vay, hệ sinh thái kế toán… và một số nền tảng số phục vụ chuyên ngành sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Người dân trong tỉnh đã áp dụng các nền tảng số như các Sàn thương mại điện tử, Facebook, Youtube, Zalo để quảng bá, bán hàng. Một số sản phẩm của người dân đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử./.

Hà Khải