Trong giai đoạn 2016 - 2024, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những đóng góp tích cực trong việc tăng hàm lượng KH&CN cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Đắk Nông. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng liên tục, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2013 cho đến nay.
Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp được ghi nhận đạt mức 6,76%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt của tỉnh đã tăng vọt từ 68,5 triệu đồng (năm 2013) lên mức 103 triệu đồng/ha (năm 2023).
Được thành lập từ năm 2016, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Thuận ở xã Nhân Cơ, (huyện Đắk R’lấp) luôn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tập hợp và liên kết các nông dân dân sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện nay, HTX đã quy tụ được 17 thành viên và 60 hộ dân liên kết cùng với diện tích sản xuất trên 80ha. Các vườn tiêu được các xã viên trồng trên trụ sống và chăm sóc bằng phân hữu cơ.
Đặc biệt, nông dân đã chủ động sử dụng chế phẩm sinh học để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Toàn bộ số lượng phân bón được khai thác từ phân chuồng kết hợp với bánh dầu làm từ bã đậu phộng, vỏ cà phê, vỏ chuối tiêu,... cùng với men vi sinh và vôi. Tất cả được trộn đều và ủ khoảng 6 tháng rồi mới đem bón cho cây. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật cũng được chế tạo từ những nguyên liệu và thành phần có sẵn trong vườn nhà mỗi hộ nông dân như tỏi, ớt, gừng…
Ông Đặng Tấn Huynh - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Thuận cho biết: “Canh tác tiêu theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả rõ nét. Vườn hồ tiêu của chúng tôi ít bị dịch bệnh như trước đây. Trong khi đó, giá bán ra sau thu hoạch thường cao hơn giá thị trường”.
Hồ tiêu được xác định là một trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Trong thời gian qua, nông dân ở các HTX đã ứng dụng các tiến bộ về KHCN vào sản xuất hồ tiêu và đạt được những kết quả phấn khởi. Đến cuối năm 2023, Đắk Nông đã có khoảng 33.789ha hồ tiêu, tăng 5.890ha so với năm 2016. Cùng năm, sản lượng hồ tiêu của tỉnh đạt 66.000 tấn, tăng 31.907 tấn so với năm 2016.
Được biết, Đắk Nông hiện là tỉnh có đến 24 cơ sở sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn và được chứng nhận, với tổng diện tích là 3.144,3ha. Trong đó, 322,8ha theo tiêu chuẩn VietGAP; 601,7ha theo tiêu chuẩn hữu cơ; các tiêu chuẩn khác là 2.219,8ha. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở đã ứng dụng các công nghệ, dây chuyền hiện đại để sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu. Tỉnh cũng đã hình thành được 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao nằm ở xã Thuận Hà và Thuận Hạnh với diện tích lên đến 1.549,4 ha (thuộc huyện Đắk Song).
Cùng với hồ tiêu, Đắk Nông đã thành công phát triển được thêm một số ngành hàng chủ lực và tiềm năng khác. Nổi bật trong số đó là 4 sản phẩm chủ lực của cấp tỉnh:cà phê, hồ tiêu, điều và cao su. Ngoài ra, có 2 sản phẩm tiềm năng khác đó là cây dược liệu và mắc ca cùng 13 sản phẩm chủ lực nằm ở các địa phương.
Trong năm 2024 này, Đắk Nông phấn đấu đưa giá trị sản xuất trung bình đạt 105 triệu đồng trên 1ha đất nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh còn đặt mục tiêu đạt khoảng 3.500ha diện tích nông nghiệp lũy kế có ứng dụng công nghệ tiên tiến. Song song đó, tỉnh sẽ tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học. Từ đó, chủ động phối hợp giữa các viện, trường để nghiên cứu và đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động về đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, duy trì và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được tỉnh chứng nhận, chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm gồm: sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù và sản phẩm có lợi thế.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong thời gian tới, tỉnh sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên và tạo điều kiện các đề tài hoặc dự án phục vụ cho các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm - trọng điểm phát triển sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh nhà./.