Đạt Tôm – Gã doanh nhân lãng tử

Quán bia Đạt Tôm, Bể bơi Đạt Tôm, Lớp dạy lái xe Đạt Tôm, Rừng atiso Đạt Tôm... Cái tên Đạt Tôm rất là thân quen ấy chính là tên và biệt danh của một ông bạn già của tôi.

          Ông bạn tôi tên Đạt, Ngô Quý Đạt, sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi. Còn biệt danh Tôm là do chính tôi đặt cho bạn , từ 1971, hồi bọn tôi cùng học cấp 3 Chu Văn An Hà nội, đến nay vừa chẵn 50 năm.

dat-tom-1635955087.jpg
Nhân vật Đạt Tôm

Trọn nửa thế kỷ, 2 thằng tôi vẫn giữ nguyên lời hẹn thề trẻ thơ với nhau, là nếu đi bộ đội ra chiến trường đột xuất hi sinh thì thôi không tính. Còn nếu Giời cho sống thì cứ đúng sau 50 năm mới “giải mật” cái chữ TÔM biệt danh ấy.

Nhoằng cái, đã 50 năm. 50 năm qua, không biết đã bao ngàn vạn người gọi lão bạn tôi là Đạt Tôm, nhưng không một ai được biết vì sao lão lại có cái biệt danh ấy, ngoài tôi với lão. Có chăng may ra một vài bạn rất thân học cùng lớp 10A, ngày lũ chúng tôi tròn 16 tuổi, nếu họ chưa quên.

Dân giang hồ Hà nội, rồi cả trong nam ngoài bắc, giang hồ nghĩa đen, dân sông nước thuỷ thủ tàu bè ấy, là những người biết Đạt Tôm nhiều nhất.

Sinh ra và lớn lên ở phố Thuỵ Khuê bên bờ hồ Tây, lão như rái cá từ năm mới 9-10 tuổi. Năm học lớp 10, chớm 17 tuổi,  Đạt Tôm đã giành Huy chương Vàng giải bơi vượt sông Hồng dành cho học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Vì tấm huy chương Vàng ấy mà Đạt Tôm được tuyển thẳng không phải thi vào Đại học Hàng hải dưới Hải Phòng.

Tốt nghiệp Đại học hàng hải, Đạt Tôm làm Máy trưởng, rồi thuyền trưởng tàu pha sông biển chạy Bắc Nam. Nhiều lần từng ôm AK cưa nòng đứng canh cho thuỷ thủ bán bớt dầu diezen cho các thuyền buôn. Tiền lãi bán dầu cả thuỷ thủ đoàn cùng lão cập cảng Sài gòn, vào bờ dăm hôm ăn chơi xả láng lại hết sạch.

Chán lênh đênh sông nước và những cuộc ăn trộm dầu, Đạt Tôm xin về Viện thiết kế đường thuỷ có trụ sở trên đường Kim Mã, làm cán bộ thiết kế ở đấy, cùng lứa cán bộ với Bình sau sang làm Tổng giám đốc Vinashin rồi bị đi tù vì tham nhũng, tham ô.

dat-tom-1-1635955154.jpg
Ảnh chụp năm 1984, nhân vật Đạt Tôm cầm lái con tàu xi măng lưới thép 300 tấn có tên “Thực nghiệm 1”

Chính thời gian này lão mày mò sáng chế ra cái Bể bơi thông minh, đăng ký Bằng sáng chế cấp Nhà nước, giúp cho hàng nghìn, hàng vạn thanh thiếu nhi Thủ đô và các tp lớn có chỗ tập bơi rất sạch sẽ và an toàn. Học trò của lão có đến hàng ngàn đứa, đứa nào cũng quý lão như ông nội

Nói về chuyện cần thiết phải dạy cho trẻ con biết bơi, lão hay đưa ra 2 câu chuyện, tôi xin kể lại dưới đây.

Chuyện một, lão bảo mày thấy đấy, trẻ con hết tuổi sơ sinh là tự khắc biết lẫy, biết bò, biết đi, biết nói, biết tất cả mọi thứ, chỉ duy nhất không biết bơi nếu không được dạy. Nên dạy bơi cho trẻ con chính là làm cho cno hoàn thiện làm người trên đời này.

Chuyện hai, lão bảo lão đọc đâu đó từ thời sinh viên, không nhớ chi tiết nhưng đại khái như sau: Có một ngài quý tộc giàu có nổi tiếng và danh gia vọng tộc, một hôm ngồi trên boong tàu du lịch sang trọng phơi nắng và đọc sách. Thấy có chàng thuỷ thủ đang đứng gần đó, ngài vẫy tay lại gần, giơ cuốn sách đang đọc ra, hỏi anh thuỷ thủ : Anh đã đọc cuốn sách này chưa?. A thuỷ thủ ngó tên sách in trên bìa cuốn sách rồi lắc đầu. “Cuốn  sách này đã đoạt giải Noben Văn học , nổi tiếng cả thế giới, mà sao anh lại có thể không biết nó nhỉ?” Anh thuỷ thủ vẫn ngượng nghịu : Nay tôi mới nhìn thấy nó lần đầu và chưa hề đọc ạ, thưa ngài.”. “Thật là tồi tệ - ngài quý tộc làu bàu- Không  biết cuốn sách này, coi như anh đã đánh mất nửa cuộc đời.”

Đúng lúc đó thì có tín hiệu báo động từ đài chỉ huy tàu, anh thuỷ thủ trước khi trở về vị trí của mình vẫn kịp hỏi nhà quý tộc: “Thưa ngài, ngài có biết bơi không ạ?”. “Không, tôi không hề biết bơi. Mà sao? “Không sao thưa ngài. Chỉ có điều là tàu ta đang bị lạc vào bãi đá ngầm nguy hiểm nhất khu vực biển này, nên vì không biết bơi, dù tàu chúng tôi có phao cứu sinh, nhưng rất có thể ngài sắp đánh mất cả cuộc đời ạ, thưa ngài”

Để tập trung thời gian dạy bơi cho trẻ em càng nhiều càng ít, Đat Tôm bỏ hẳn việc ở Viện Thiết kế, xin về hưu non, xuống hồ Nghĩa Tân làm cái bể bơi thông minh dạy bơi kiêm chủ quán bia hơi kiêm đầu bếp ngay cạnh đó luôn. Cả một góc hồ Nghĩa Tân thời ấy rộn ràng nhộn nhịp hẳn lên. Trên bờ thì người lớn phụ huynh “Dô, Dô”. “trăm phần trăm” bia hơi, dưới bể thông minh đặt ngay mép hồ thì trẻ em lớn bé bì bõm tập bơi, nhảy tùm tùm, hò hét vui sướng suốt các chiều sau giờ học đến tối mịt. Vào dịp nghỉ hè thì từ 6h sáng đến 21h tối bể bơi lúc nào cũng đông nghìn nghịt.

Đang được dăm năm sầm uất ăn nên làm ra nhờ quán nhậu và dạy bơi được cho hàng ngàn đứa trẻ, thì đùng cái quận Cầu Giấy thay đổi quy hoạch khu vực hồ Nghĩa Tân, lão lại mất sạch cả quán lẫn bể bơi vì trong diện phải giải phóng mặt bằng. Rồi sản phẩm bể bơi thông minh cũng bị nhiều nơi ăn cắp bản quyền, học trò cũng phân tán đi các nơi khác. Lão chẳng kiện bọn ăn cắp bản quyền một câu, lí do là “thôi cho ăn cắp sáng chế của mình, nhưng lại giúp cho nạn đuối nước giảm đi, thế là cũng đúng mong muốn của mình rồi, cũng là làm phúc cho đời nữa...”

Lão quay ra đi dạy lái xe. Chuyện lái xe của lão thì nhiều huyền thoại lắm, nhưng có  chuyện này thì tôi chứng kiến tận mắt. Và tôi tin là cả nước Việt này chưa ai lái xe cao thủ đến như lão Đạt Tôm.

Đó là nhân một cuộc cả hội bạn bè dăm cái xe kéo nhau đi phượt Tam Đảo. Rồi thách đố nhau, Đạt Tôm đã lái xe lùi từ chân lên đỉnh Tam Đảo, với giải thưởng ngày ấy chỉ là chục chai bia Vạn Lực Tàu.

Ngồi trên xe lão lái, bất cứ là loại xe gì, đều thấy ô tô đúng là một cái “quan tài bay”. Nhiều lần đi xuyên Việt với lão, tôi phải bảo lão đổi lái cho mình, lí do là “ngồi không vận động lâu chân tao mỏi lắm”, để còn tự mình giảm tốc độ phóng như tên bay của lão cho bớt sợ được vài trăm km trên con đường ngàn dặm theo chiều dài đất nước.

Rồi các trung tâm lái xe mọc ra như nấm, lão lại bỏ phố, bỏ hồ, bỏ sông biển, bỏ cả nghề dạy bơi lẫn dạy lái xe lên rừng. Lão cùng một người bạn học cùng Đại học hàng hải xưa, quê Đà Nẵng, leo lên Lâm Đồng, cùng 1 ông em đại gia có mấy trăm hecta đất ngay gần hồ Lâm Tuyền, Đà Lạt trồng Atiso và một số thực vật quý hiếm khác.

dat-tom-2-1635955209.jpg
Nhân vật Đạt Tôm ở Đà Lạt

Xưa lão sống trên sóng nước bao dòng sông cửa bể xứ Việt, nay lão sống giữa lãng đãng mây mù Đà Lạt. Vợ con cháu chắt đề huề ở Ecopark Hà nội lão để họ tự trông nhau, vài tháng bay ra hoặc phi cái Ford bán tải ra Hà nội 1 lần cho đỡ nhớ cháu vài hôm

Bi giờ mới nói đến vì sao tôi lại đặt cái biệt danh TÔM cho lão Đạt

Các bạn nào cùng trang lứa với bọn tôi chắc còn nhớ, vào những năm đầu 1970, cụ thể 70 đến 72, dân Hà nội hay dùng cái chùm chìa khoá xe đạp hay khoá nhà bằng một con tôm được đan tết thủ công từ những ống nhựa ni lông truyền máu, truyền dịch đã qua sử dụng hoặc dây cước câu cá được nhuộm màu xanh đỏ tím vàng.

dat-tom-4-1635955231.jpg
30 phút sau tiết 3, là lão đã tết được 3-4 con tôm chùm chìa khoá.

Lão Đạt Tôm vốn siêu khéo tay, nhanh chóng học lỏm được cách đan tết con tôm nhựa làm chùm chìa khoá đó.

Tôi và Đạt vào diện cao nhất lớp khi đó. Mới 16-17 mà tôi thì 1m68, Đạt 1m70, so với con cháu thời nay thì chiều cao bọn tôi là nhạt toẹt , nhưng thời ấy là hiếm hoi. Hiếm hoi nên 2 thằng bị cô chủ nhiệm lớp nhét xuống cái bàn cuối cùng của lớp, để không che mắt các bạn khác nhìn lên bảng.

Và ở cái bàn cuối lớp ấy, trong giờ học, nhất là các tiết môn phụ, tôi làm nhiệm vụ ghi chép bài giảng cho cả 2 thằng, còn Đạt lôi trong cặp đã thủ sẵn ra một mớ dây tiếp dịch ni lon, và lão tết nhanh thoăn thoắt. Loáng cái, đến giờ ra chơi nghỉ 30 phút sau tiết 3, là lão đã tết được 3-4 con tôm chùm chìa khoá.

Những con tôm nhựa ấy lập tức ngay đầu giờ ra chơi đã được Đạt và tôi mang sang hàng nước bên kia đường Thuỵ Khuê, đúng đoạn đường tàu điện vào cua trước cổng trường Chu Văn An, để đổi cho bà chủ quán lấy bánh mỳ ngọt, kẹo gôm, kẹo lạc.

Mang về chia cho các bạn chơi thân trong lớp ăn, Đạt lại không mấy khi ăn quà đó mà chỉ đứng giữa sân trường nheo mắt trề môi cười xem các bạn “tẩm bổ giữa giờ”. Cái tuổi 16-17 hay chóng đói, bánh kẹo đổi tôm của Đạt Tôm trở nên quý giá vì giúp bọn tôi cầm cự thêm 2 tiết nữa cho đến giờ tan học.

Được ăn bánh kẹo đều, những cũng phải chép bài hộ Đat liên tục. Có hôm vội tôi chép chữ ngoáy quá, Đạt về nhà mang vở ra học luận không ra, lại phải chạy đến tôi nhờ “dịch chữ”, chưởi nhau loạn xì ngầu.

Thế rồi từ đấy, tôi cứ gọi “Ê, Đạt Tôm” khi cáu vì chép bài mỏi tay, “Đạt Tôm ơi” khi chia bánh kẹo. Gọi quen một hồi thì các bạn trong tổ, trong lớp cũng gọi Đạt Tôm theo cách tôi gọi. Rồi thế là từ năm 71 ấy, cái biệt danh TÔM “chết” luôn cùng cái tên Đạt cho suốt đến hôm nay.

Không thể đếm xuể biêt bao người đã gọi lão là ĐẠT TÔM trong 50 năm qua, chỉ biết đây là lần đầu tiên tôi “giải mật” cái biệt danh này của Đạt. Còn lão, lão cũng chưa bao giờ giải thich cho ai, kể cả vợ con lão, vì sao lại có biệt danh TÔM.

Lão thường từ chối giải thích một cách đầy bí hĩm: “Rồi sẽ có 1 ngày đẹp trời, cái thằng nghĩ ra và đặt biệt danh cho tôi nó sẽ kể cho bạn vì sao...”

Và cái ngày đẹp trời đó chính là hôm nay ạ, thưa các bạn !

 

 

Vũ Quốc Hùng