Nêu cao trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai, cập nhật kịch bản ứng phó sát thực tiễn

Cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm; Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố cho sát với thực tiễn nhất...

Những nội dung trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được tổ chức vào ngày 10/5 tại Trụ sở Chính phủ.

phong-chong-thien-tai-2024-01-1715395968.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

Thiên tai ngày càng khốc liệt, khắc phục hậu quả còn nan giải

Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai, 5.331 sự cố làm 1.129 người chết, mất tích (trong đó, thiên tai làm 169 người chết, mất tích), thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dông lốc, nắng nóng làm 14 người chết, mất tích; thiệt hại về vật chất ước tính hơn 399 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai khẳng định, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 16 công điện; Ban Chỉ đạo - Ủy ban quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 64 công điện, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Sau mỗi đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã xuống hiện trường động viên, thăm hỏi người dân bị thiệt hại, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân…

phong-chong-thien-tai-2024-04-1715395950.jpg
Trong năm 2023, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Tổng Cục phó Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết hiện tượng ENSO (chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương) đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80 - 85%.

Từ tháng 7 - 9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60 - 65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. Chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi trạng thái như vậy sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, ông Cường thông tin thêm.

Cụ thể, cơ quan khí tượng dự báo có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9 - 11/2024.

Do bão, áp thấp nhiệt đới, lượng mưa 6 tháng cuối năm được dự báo xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt có khả năng mưa lớn tập trung nhiều trong các tháng cuối năm tại Trung bộ.

Các lưu vực sông Trung bộ, Tây Nguyên mùa lũ dự báo xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở báo động 1 - 2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở báo động 2 - 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành đã theo dõi sát tình hình; chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả tương đối tốt trên bình diện chung của cả nước so với nhiều năm trước đây; chất lượng dự báo khí tượng thủy văn tiến bộ hơn rất nhiều, là điều rất đáng mừng; cơ chế chính sách có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhất là sự ra đời của Luật Phòng thủ dân sự… góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai, sự cố trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận nhận thức của cán bộ, người dân còn có nơi chưa đầy đặn; không phải nơi nào cũng làm tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước khi mùa thiên tai, bão lũ.

Công tác giám sát, dự báo, cảnh báo sớm cũng có những vấn đề cần chấn chỉnh, làm tốt; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, hoặc chưa phù hợp, có những quy định đã ban hành cách đây 15 năm.

Trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nên cần từng bước được đầu tư phát triển.

phong-chong-thien-tai-2024-03-1715396026.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. (Ảnh: VGP)

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung chuẩn bị kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm bộ máy mới hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm, thông qua mạng xã hội hoặc tin nhắn điện thoại….

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố cho sát với thực tiễn nhất.

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất có thể, Phó Thủ tướng yêu cầu.

phong-chong-thien-tai-2024-02-1715396065.jpg
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, tình hình thiên tai trong năm 2024.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị từng địa phương tập trung nâng cao năng lực điều hành của mình; tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương bởi đây mới là người chỉ huy trực tiếp tại chỗ, mới có thể ra quyết định sáng suốt nhất và hợp lý nhất tại thời điểm xảy ra sự cố, thiên tai.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải cố gắng huy động nguồn lực đầu tư và các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó chú trọng huy động nguồn lực từ xã hội cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố trên tinh thần phát huy truyền thống sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia khác; hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nhất là trong công tác dự báo chính xác; quan tâm đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi./.

Trọng Bình