Quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) dựa trên quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Diễn giải chi tiết thì IPM là hệ thống kiểm soát dịch hại để bảo vệ cây trồng. Còn IPHM thì chủ yếu hướng vào việc phòng ngừa dịch hại và dựa vào môi trường sinh thái để nâng cao sức khỏe cây trồng.
Trong thời gian qua, các cấp, ngành ở Đắk Nông đã đẩy mạnh vận động, khuyến khích và, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường và IPHM. Hướng sản xuất mới này giúp nông dân chủ động trong việc chăm sóc cây trồng bằng cách xác định các yếu tố tích hợp như: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích…
Qua thực tiễn triển khai, canh tác theo phương pháp IPHM này giúp giảm thiểu những tác động gây bất lợi và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng. Đồng thời, nó còn giúp ngăn chặn sự bùng phát của các sinh vật gây hại ngoài môi trường. Từ đó, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất xanh, hữu cơ và tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, đạt chất lượng yêu cầu.
Điển hình là nông hộ ông Vũ Hữu Đào ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp). Đây là nông hộ được hướng dẫn biện pháp sản xuất theo hướng IPHM bởi tổ chuyên môn của địa phương. Sau một thời gian áp dụng, hướng sản xuất này đã cho thấy hiệu quả, giúp gia đình ông cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Đồng thời, canh tác theo hướng này cũng đã giảm thiểu ảnh hưởng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Ông Đào vui mừng cho biết: “Qua các bước kỹ thuật được tổ chuyên môn hướng dẫn, tôi đã chuyển đổi các loại phụ phẩm nông nghiệp trở thành phân hữu cơ vi sinh rồi mang bón cho cây trồng. Kết quả cho thấy phân hữu cơ giúp cải tạo được độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, cây trồng nhờ vậy nên hấp thu dinh dưỡng tốt hơn”.
Cũng theo ông Đào, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh còn giúp vườn cây phát triển xanh tốt. Đất đai trở nên tơi xốp và năng suất cao. Chất lượng cây cà phê đạt được cũng cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác theo kiểu truyền thống như trước đây.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) thì sau một thời gian áp dụng phương pháp IPHM đã cải thiện được khả năng sinh trưởng của cả vườn cây. Ông sử dụng phân hữu cơ vi sinh, giúp hạn chế lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, từ đó, bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, các vi sinh vật có lợi, cân bằng sinh thái.
Ông Hà cho biết: “Sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp với các biện pháp canh tác thuận tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho cây trồng. Lợi ích lớn nhất là người trồng không phải sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật học học. Chính vì vậy, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất mà môi trường và nông sản tạo ra cũng không bị dư lượng hóa chất tồn đọng”.
Theo ông Lê Hoàng Vinh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song thì việc sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn trên các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, rau xanh… đang dần được nhiều nông dân tại địa phương chú trọng. Hướng canh tác bền vững đã chứng tỏ hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giá trị cho nông sản. Từ đó, việc triển khai liên kết sản xuất, cung ứng vật tư cho đến tiêu thụ sản phẩm cũng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thảo - Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, từ kết quả thực tế của IPHM đem lại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển giao quy trình cho các nông hộ, HTX để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. “Giải pháp này hoàn toàn phù hợp với các định hướng và mục tiêu lớn phát triển nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh” - bà Thảo khẳng định.
Chính vì những lợi thế nói trên, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai rộng rãi các biện pháp canh tác xanh, tuần hoàn theo quy trình IPHM trọn vẹn. Những nguyên tắc, mục tiêu và nội dung của IPHM sẽ là tiêu chí quan trọng góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, kiểm soát mức độ thoái hóa đất, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và môi trường canh tác./.