Trên đây là ý kiến phát biểu của ông Phạm Văn Nghiêu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị” diễn ra ngày 26/7/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong đó chủ trì là ngành nông nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong mục tiêu phát triển của chiến lược này đã thể hiện: “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu thị trường; đồng thời tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm”. Để thực hiện tốt mục tiêu này, chiến lược đã đề ra một số giải pháp; trong đó có giải pháp “Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành, dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị”.
Trên cơ sở Chủ trương của Đảng, chiến lược của ngành nông nghiệp có thể thấy tích hợp sản xuất nông nghiệp đa giá trị được xem là một chủ trương mới, là một trong những giải pháp quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, bên cạnh vai trò chủ đạo của ngành nông nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam các cấp cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng, mà trước hết là cần tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hiểu được, khai thác bền vững mọi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
“Nhằm đánh giá thực trạng sản xuất và vai trò của Hội Nông dân các cấp trong khai thác các giá trị nông nghiệp để có cơ sở đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và đưa ra các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 6998-QĐ/HNDTW, ngày 29/6/2023 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phê duyệt Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ với nội dung nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị” và giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài này”, ông Phạm Văn Nghiêu cho biết.
Theo đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài gồm: Đưa ra được những luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị trong điều kiện Việt Nam hiện nay; Đánh giá thực trạng sản xuất và khai thác các giá trị nông nghiệp tại các mô hình sản xuất nông nghiệp đa giá trị; Đánh giá vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia hoặc tuyên truyền vận động hội viên nông dân khai thác các giá trị nông nghiệp, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Nhận diện các mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị trên thực tế và trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay và những năm tiếp theo thì mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị cơ bản thể hiện ở những dạng thức như sau: Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch: Trồng cây ăn quả kết hợp du lịch; trồng trọt, chăn nuôi kết hợp du lịch trải nghiệm, học tập; Mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn như là mô hình VAC, VACR; lúa, xử lý rơm, rạ làm nấm; Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp bảo tồn như là trồng, chăn nuôi những loại cây, con đặc sản; Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải: Canh tác lúa thông minh nhằm giảm phát thải; Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp xây dựng thương hiệu: Phát triển sản phẩm OCOP, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến; Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Mô hình sản xuất nông, lâm, nghiệp kết hợp.
Trong báo cáo tham luận tại hội thảo về mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Thủ Đức, ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc cho biết: “HTX Tuấn Ngọc cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ nông dân, tạo việc làm và nâng cao nhận thức về nông nghiệp sạch. HTX cũng tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững”.
“Đồng thời, HTX Tuấn Ngọc không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn chú trọng đến việc xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ thông qua các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến”, ông Lâm Ngọc Tuấn cho biết thêm./.