Nông dân Phú Yên được 'cầm tay chỉ việc' về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giúp bà con nông dân nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ đó, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.
nong-dan-duoc-dao-tao-chuong-trinh-iphm-1-1724762017.jpg
Nông dân tại Phú Yên được ra ruộng học tập chương trình IPHM trên cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh từ năm 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã chủ trì tổ chức lớp đào tạo nâng cao giảng viên TOT - IPM lên TOT -IPHM cho 11 công chức, viên chức của Chi cục và Trung tâm Khuyến nông, được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận”, ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, sau khi đội ngũ TOT - IPHM đào tạo xong đã về các địa phương mở các lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPHM. Trong đó, vụ hè thu 2024 triển khai 13 lớp huấn luyện cho nông dân tại huyện 8 huyện, xã, thành phố. Năm 2025, toàn tỉnh sẽ triển khai 26 lớp huấn luyện theo kế hoạch đề ra.

Theo ông Trần Hòa, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (Phú Yên) cho biết, ông từng tham gia nhiều lớp tập huấn, tuy nhiên lớp huấn luyện về chương trình IPHM này rất bổ ích cho nông dân. Theo ông Hòa, thật ra chương trình IPHM được xây dựng trên cơ sở kế thừa chương trình IPM, song có điểm khác hơn là giúp nông dân tiếp cận thêm kiến thức về cải tạo đất canh tác và một số nội dung khác.

“Hiện nay sản xuất lúa của bà con trên địa bàn đã có cải tiến phần nào nhờ chương trình IPM, song vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khi được tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM, bà con đã hiểu việc đốt rơm rạ gây tác hại tới môi trường, không làm đất tốt hơn mà còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, làm cho đất chai cứng và mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Do đó, chương trình IPHM hướng dẫn nông dân để rơm rạ trên ruộng rồi tiến hành cày vùi. Tuy nhiên để rơm rạ phân hủy nhanh, đồng thời không gây ngộ độc cho lúa, nông dân có thể dùng các chế phẩm sinh học Emic, Trichoderma phun lên rơm rạ và ủ thành phân hữu cơ”, ông Hòa chia sẻ.

nong-dan-duoc-dao-tao-chuong-trinh-iphm-2-1724761976.jpg
Bà con nông dân được tập huấn chương trình IPHM để hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Qua chương trình IPHM, nông dân còn nắm thêm kiến thức tận dụng phụ phẩm như thân cây lạc, đậu xanh… kết hợp chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón hữu cơ vi sinh, sau đó vãi xuống ruộng để tạo phì nhiêu cho đất rất tốt.

Bà Nguyễn Thị Kim, nông dân ở phường 9 cho biết, đây là lớp huấn luyện chương trình IPHM đầu tiên trên địa bàn. Các giảng viên hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về IPHM dễ hiểu, còn nông dân hào hứng tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc để nắm bắt tiến bộ kỹ thuật. “Đến nay, bà con đã học đến tuần thứ 9, còn 5 tuần nữa sẽ kết thúc. Ngoài học lý thuyết, bà con còn được thực hành tại ruộng từ lúc gieo sạ cho đến khi thu hoạch”, bà Kim chia sẻ.

Qua theo dõi, nông dân đều đánh giá ruộng lúa thực hành chương trình IPHM sinh trưởng và phát triển tốt, dù chỉ gieo sạ 4 - 6kg lúa giống/sào (500m2). Lúa đã phát triển 7 lá nhưng chưa phát hiện sâu, rầy gây hại. Do đó, bà Kim cũng như bà con nông dân đều khẳng định khi sạ thưa, không chỉ tiết kiệm chi phí giống, lúa ít sâu bệnh mà còn bảo vệ được thiên địch giúp khống chế hiệu quả sâu rầy, không phải sử dụng thuốc BVTV.

nong-dan-duoc-dao-tao-chuong-trinh-iphm-3-1724761992.jpg
Nông dân được "cầm tay chỉ việc" trên đồng ruộng để nắm bắt các kiến thức về IPHM.

Theo đại diện Phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên), IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường, cụ thể như đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng. Đồng thời phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

IPHM được phát triển trên nền tảng IPM, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung đi sâu về sức khỏe của đất để bà con nắm bắt kiến thức cải tạo đất của mình nhằm canh tác bền vững.

Hơn nữa, chương trình IPHM còn giúp bà con nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ đó, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm./.

Bình Nguyên