Duy trì diện tích, nâng cao chất lượng cây trồng
Vừa qua, tỉnh Đắk Nông đã cho triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực, bao gồm cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều trên địa bàn các huyện từ đây cho đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ duy trì tổng cộng 203.600ha các cây trồng chủ lực là thế mạnh của địa phương trong nhiều năm qua.
Đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông phấn đấu phát triển thêm 10 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực trên toàn bộ các xã huyện tại địa phương. Trong đó, gồm có 4 chuỗi về cây cà phê, 1 chuỗi về cây điều, 4 chuỗi về cây hồ tiêu và 1 chuỗi về cây cao su.
Đáng chú ý, Đắk Nông sẽ xây dựng và duy trì vùng cây công nghiệp chủ lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Theo đó, đến năm 2030, số vùng sản xuất nông nghiệp CNC được công nhận sẽ tăng lên thành 10 vùng. Cùng với đó là diện tích tăng lên, đạt khoảng 5.074ha gồm: 7 vùng cà phê với diện tích 3.225ha, 3 vùng hồ tiêu với diện tích 1.849ha.
Theo chủ trương và định hướng tỉnh đã vạch ra, tỷ lệ diện tích cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su, điều sản xuất có chứng nhận tiêu chuẩn đạt từ 20% trở lên. Cùng với đó, Đắk Nông còn kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản với mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực hướng tới thị trường xuất khẩu ở các quốc gia lớn.
Song song với việc duy trì diện tích, tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các cây trồng chủ lực. Đối với cây cà phê, ngành Nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực rà soát, chuyển đổi khoảng 5.973ha cà phê già cỗi, kém chất lượng để canh tác các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Các địa phương còn tiến hành tái canh toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp bằng các giống chất lượng cao. Đồng thời kết hợp với trồng xen cây ăn quả hoặc cây che bóng để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: “Đắk Nông đang xây dựng và phát triển cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương. Tỉnh kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh và cả thương hiệu của nông sản Đắk Nông ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.”
Định hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao
Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển khoảng 2.000ha vùng cà phê đặc sản và cho sản lượng 1.500 tấn. Trong đó, ập trung chủ yếu tại huyện Đắk Mil với diện tích 1.340ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn. Ngoài ra, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ còn có khoảng 3.000ha, tập trung tại cá huyện gồm: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Glong, … với các tiêu chuẩn được chứng nhận, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với cây hồ tiêu, Đắk Nông chuyển đổi toàn bộ 950ha diện tích hồ tiêu già cỗi, kém chất lượng, không có khả năng thích nghi sang các cây trồng khác. Các loại cây được chuyển đổi cũng phải phù hợp với quy hoạch, điều kiện tự nhiên từng địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn hình thành và phát triển thêm 1 vùng sản xuất hồ tiêu 300ha ứng dụng nông nghiệp CNC vào sản xuất tại Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa). Qua đó, nâng tổng số vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC toàn tỉnh lên thành 3 vùng với diện tích đạt khoảng 1.849 ha.
Đối với cây điều, tỉnh chủ trương sử dụng các giống điều mới năng suất cao có khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương. Mặt khác, nó cũng được sử dụng để tái canh hoặc ghép cải tạo các vườn điều cũ năng suất thấp, hoặc hoặc thích nghi thấp. Nông dân sẽ kết hợp trồng xen với các cây ăn quả và đầu tư thâm canh để tăng năng suất điều lên trên 2 tấn/ha. Sẽ có 288,04ha diện tích điều già cỗi, năng suất thấp, không thích nghi được chuyển đổi sang các cây trồng khác có tiềm năng hơn.
Đối với cây cao su, tỉnh chú trọng mục tiêu trồng theo đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng các giống ghép năng suất cao, khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt. Song song đó, tỉnh sẽ chuyển đổi diện tích khoảng 1.346ha cao su già cỗi, năng suất thấp, không thích nghi hoặc hoặc thích nghi thấp sang các cây trồng khác có tiềm năng thích nghi từ nay đến năm 2030.
Từ những cơ sở định hướng nêu trên, Đắk Nông kỳ vọng người dân, doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây công nghiệp. Mặt khác, chủ động tổ chức liên kết tại vùng sản xuất cây công nghiệp và tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm. Hoạt động xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc hướng tới các thị trường xuất khẩu cũng là yếu tố tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai trong thời gian sắp tới./.