Công trình xanh chính là phương tiện để phát triển kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là một trong những chiến lược quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, công trình xanh (CTX) vừa là động lực, vừa là phương tiện để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế trên thế giới từ lâu đã và đang vận hành theo mô hình Kinh tế tuyến tính (Linear Economy). Mô hình này được bắt đầu từ việc Sử dụng tài nguyên được khai thác, Sản xuất, Phân phối, Tiêu dùng và Thải ra. Vật liệu thô sau quá trình sử dụng sẽ đi thẳng vào bãi rác. Tuy nhiên, nguồn vật liệu thô này không vô hạn. Sự suy giảm tài nguyên; sử dụng năng lượng quá tải; sự ô nhiễm đất, nước và không khí; hệ sinh thái bị bào mòn trong quá trình phát triển kinh tế trong nhiều năm trước đây; quá trình biến đổi khí hậu nhanh và nghiêm trọng hơn do phát triển kinh tế, tăng dân số, đô thị hóa lại đang đe dọa lên chính sự thịnh vượng, bền vững của nền kinh tế - xã hội, sự tồn vong của hành tinh và con người trong tương lai.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á đã có 53.8 tỉ USD được sử dụng để giải quyết thảm họa ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, 40 tỉ USD được yêu cầu hàng năm để chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp và phục hồi môi trường.

Còn trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới đã công bố những thiệt hại của nền kinh tế bởi thảm họa về môi trường tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ô nhiễm nước gây thiệt hại 3.5% GDP và ô nhiễm không khí đã gây tổn thất khoảng 5.18% GDP. Do đó, theo các chuyên gia, để giải quyết các bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường, giảm khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn thì một mô hình kinh tế khác đang được triển khai và trở thành xu hướng ở các doanh nghiệp và nhiều quốc gia đó là Kinh tế tuần hoàn.

cong-trinh-xanh-1674262338.jpg
Công trình xanh là giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, khái niệm mô hình Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ cách đây 20 năm dưới những chương trình khác nhau như mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), Khu công nghiệp sinh thái, Sản xuất sạch hơn, Không phát thải. Cơ chế tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất đều là một phần của kinh tế tuần hoàn. Hơn 35 năm đổi mới từ Cải cách 1986, tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và dân số cũng đang đẩy Việt Nam vào tình trạng đối mặt với những vấn đềcủa tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sinh thái đô thị và tự nhiên mất dần khả năng phục hồi. Lượng chất thải nhựa mỗi năm là 1,83 triệu tấn; lượng chất thải rắn sinh hoạt hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó 71% là được chôn lấp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng nhấn mạnh, việc lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam-Tổng Giám Đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang cho hay: Mô hình Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi chu trình khép kín của sản phẩm, kéo dài vòng đời, giảm rác thải tối đa. Tuy nhiên, sự hoàn thiện của mô hình này đối với sản phẩm bất động sản là một thử thách lớn vì đặc thù của sản phẩm và sự tham gia của nhiều đối tác ở các công đoạn và sự tác động của nhiều thành phần kinh tế, đầu tư, chuyên môn, xã hội khác nhau. Điều này đòi hỏi thời gian, lòng kiên định, sự thay đổi, hợp tác và nắm bắt cơ hội, sự nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sự tham gia của mọi thành phần trong hệ thống (chính phủ, nhà quản lý, nhà đầu tư, lãnh đạo và tập thể nhân viên doanh nghiệp, và cuối cùng là người sử dụng).

Kinh tế tuần hoàn là một trong những chiến lược quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, CTX vừa là động lực, vừa là phương tiện để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế, chính sách được Nhà nước của các quốc gia ban hành nhằm hỗ trợ, thúc đẩy CTX phát triển và được thể chế hóa bằng luật pháp. Việt Nam cũng đã có những nỗ lực tạo ra một hướng đi cho CTX thể hiện qua các chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động của Nhà nước về CTX như: Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, Nghị quyết về Phát triển bền vững, Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030...

Tuy nhiên, bà Thanh Mẫu cho rằng, những nội dung chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động vẫn chỉ là những chỉ dẫn chung. Các quy định có liên quan đến CTX hiện tại còn hạn chế và nằm rải rác ở nhiều văn bản luật của nhiều lĩnh vực khác nhau. Và hiện tại chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng cho CTX về tiêu chí xác định cũng như các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình xanh mặc dù nội dung phát triển CTX đã được đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi, tháng 6/2020).

Do đó, Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng khung pháp lý cho dự án công trình xanh ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết nhằm nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện, chính xác những thành quả cũng như những hạn chế trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về CTX; nghiên cứu các quy định pháp luật về CTX của một số quốc gia trên thế giới để đưa ra hướng hoàn thiện khung pháp lý về CTX cho Việt Nam liên quan đến tiêu chí xác định và chính sách ưu đãi, phát triển. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư xây dựng CTX tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế tuần hoàn nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung./.

Đông Nghi