Theo HoSE, nguyên nhân khiến cổ phiếu ROS rơi vào diện đình chỉ giao dịch là do FLC Faros “tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch”.
Trước đó, HoSE thông báo về việc xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu của ROS với lý do chậm công bố báo cáo tài chính quý II/2022.
Theo quy định về công bố thông tin, tổ chức niêm yết phải công bố báo cáo tài chính quý trong 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp là công ty mẹ có đơn vị trực thuộc, việc công bố không chậm hơn 30 ngày. Tuy nhiên, hết thời hạn, HoSE cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính.
Đầu tháng 6, cổ phiếu này cùng với hai mã khác là FLC và HAI đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Giải trình về việc chậm công bố báo cáo tài chính kể trên, FLC Faros cho biết đã có công văn gửi HoSE xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II bởi lý do bất khả kháng.
Cụ thể, theo quy định của Luật Kế toán, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Tuy nhiên, sau biến động liên quan đến người đại diện pháp luật của doanh nghiệp hồi cuối tháng 3, FLC Faros đã nộp hồ sơ đăng ký người đại diện pháp luật mới nhưng chưa được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội chấp thuận.
Do đó, dù đã hoàn thiện báo cáo tài chính quý II, đến nay FLC Faros vẫn chưa thể phát hành theo đúng thời hạn.
Với nguyên nhân bất khả kháng này, FLC Faros đề xuất HoSE chấp thuận yêu cầu tạm hoãn công bố thông tin đối với báo cáo tài chính, đến khi Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội chấp thuận người đại diện mới của doanh nghiệp.
FLC Faros là doanh nghiệp xây dựng thuộc hệ sinh thái FLC Group. Cổ phiếu này trước đó bị đưa vào diện cảnh báo do chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc niên độ tài chính.
ROS là cổ phiếu gắn với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC. Trong đó, ROS lên sàn năm 2016 và tạo ra cơn sốt đầu tư khi tăng một mạch từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu lên 178.000 đồng (giá điều chỉnh) vào tháng 11/2017.
Mã chứng khoán này thậm chí từng lọt rổ chỉ số VN30 trong đợt đánh giá tháng 7/2017 và thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ thị trường.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, thị giá ROS đã rơi tự do trong giai đoạn 2018-2020 về giá "trà đá", trước khi được kéo mạnh trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tuy vậy, từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, mã chứng khoán này lại giảm mạnh về mức 2.800 đồng hiện tại, tức giảm ròng gần 80% so với đầu năm. Nếu so với đỉnh hồi tháng 11/2017, thị giá cổ phiếu này đã mất tới 98,4% giá trị.