Cơ hội cho các nhà đầu tư mua các dự án hấp dẫn với định giá tài sản phù hợp

Tại Diễn đàn mua bán – sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, các chuyên gia dự báo, thị trường M&A sẽ sớm sôi động trở lại. Và đây được cho là thời điểm để cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Theo Ban Tổ chức, sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD, đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc trong thời gian tới. Vậy đâu là cơ hội cho thị trường Việt Nam? Chúng ta cùng nhìn lại các con số đáng chú ý của thị trường M&A trong nước năm qua.

Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, thị trường M&A của Việt Nam năm nay cũng có sự trầm lắng hơn so với sự sôi động của 2 năm trước. Theo dữ liệu từ KPMG, 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ Usd, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu các giao dịch đến từ Singapore, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục dẫn dắt các giao dịch với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Theo các chuyên gia thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

ninh-thuan-1669365646.jpg
Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực hấp dẫn đối với các giao dịch M&A trong năm 2022. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Luật VILAF cho biết qua làm việc với các doanh nghiệp có kinh nghiệm M&A từ đầu năm 2020 cho thấy dịch Covid-19 khiến 2 năm qua, doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên có rất nhiều thương vụ M&A thành công ngay cả trong thời điểm khó khăn, bởi điểm mấu chốt vẫn là hai bên cùng có lợi.

Đáng chú ý, với 93 thương vụ M&A đã hoàn thành trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành người dẫn dắt thị trường, với giá trị 1,3 tỷ USD, tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Các thương vụ gắn liền với các tên tuổi như: trong lĩnh vực bất động sản Tập đoàn Novaland đã nhận được một khoản đầu tư 250 triệu USD từ Warburg Pincus - một quỹ đầu tư tư nhân quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng Tập đoàn Xuân Thiện đã ký kết với một nhà cung cấp năng lượng tái tạo nổi tiếng có trụ sở chính tại Madrid, Tây Ban Nha để mua hai dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất 200MW với giá 284 triệu USD. Hay trong lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, Công ty TNHH Sherpa - trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, đã mua lại 65% vốn của Công ty cổ phần Phúc Long Heritage với giá 260,6 triệu USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thời gian qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực cũng đã được nâng cao. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024 - 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các luật: Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A. Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ…

Hương Lan (t/h)