Cơ cấu cây trồng, đảm bảo đủ hàng nông sản phục vụ Tết

Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, Hà Nội đã chủ động cơ cấu cây trồng vụ đông sao cho phù hợp với từng vùng, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản, hàng hóa dồi dào phục vụ người dân trong dịp này.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung; không để hoạt động sản xuất rau bị đứt gãy hoặc bị đình trệ trong thời gian dịch COVID-19; không để xảy ra nguy cơ khan hiếm nguồn rau xanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhất là dịp cuối năm...

3933-1-1639737156.jpeg
Các mặt hàng nông sản sẽ đảm bảo đủ cung ứng trong dịp tết

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội đã sử dụng các loại giống ngắn ngày, chất lượng cao như: rau màu, ngô nếp, đậu, khoai.... Diện tích cây trồng vụ đông các loại là hơn 30.000 ha, trong đó, rau vụ Đông là 14.849 ha, sản lượng hơn 239.661 tấn. Tại nhiều vùng rau chuyên canh của Hà Nội như Vân Nội (huyện Đông Anh), Thanh Đa (huyện Phúc Thọ), Văn Phú (huyện Thường Tín), Khai Thái (huyện Phú Xuyên)…, nhiều loại rau màu cúc, mùng tơi, cà, rau thơm các loại bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Tại vựa rau màu Văn Đức huyện Gia Lâm, do bị ảnh hưởng mưa bão vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nên nhiều diện tích rau màu vụ Đông của địa phương bị ảnh hưởng, một phần diện tích ngập úng phải gieo trồng lại. Ngay sau khi thời tiết thuận lợi trở lại, các hộ dân đã khẩn trương làm đất, xuống giống các loại rau màu ngắn ngày. Hiện, nông dân xã Văn Đức đã thâm canh hơn 200 ha rau màu và một số loại rau cũng đang vào vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, các loại rau hiện đang được bán với giá khá cao: dưa chuột từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, ngọn bí từ 15.000 -20.000 đồng/bó, bí bao tử có giá 30.000 đồng/kg, mướp đắng 35.000 đồng/kg… Với thời gian trồng và chăm sóc từ 30-35 ngày cho thu hoạch 1 lứa, trung bình mỗi sào rau cho thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/lứa...”.

Anh Nguyễn Văn Bính, ở xã Văn Đức huyện Gia Lâm cho hay, với hơn 2 sào gia đình anh trồng rau bí, nay đang cho thu hoạch, thương lái đến tại ruộng thu mua với giá từ 12.000- 15.000 đồng/bó, giá cao hơn trước rất nhiều...

Không chỉ có bà con ở vùng rau Văn Đức được mùa được giá, mà những người nông dân trồng củ cải tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng rất vui khi giá củ cải tăng cao hơn nhiều so với hồi đầu năm. Bác Nguyễn Thị Nụ, xã Tráng Việt chia sẻ, do thời tiết thuận lợi không như đợt trước mưa bão nên rau màu phát triển tốt, giá bán cũng cao. Hiện nay, củ cải ở đây đang được thu mua với giá rất cao lên đến 15.000 đồng/kg, gấp hơn 10 lần thời điểm rớt giá thảm hại ghi nhận hồi đầu năm.

Vựa rau xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng canh tác nhiều chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là củ cải, cải Đông Dư, cải ngồng. Giá các loại rau củ dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; cao hơn nhiều so với mức bình quân mà nông dân nơi đây thu về trong nhiều năm qua. Với mỗi sào canh tác rau củ, bà con nông dân thu hoạch được khoảng 1 tấn sản phẩm. Thực tế, khối lượng thu được có thể lớn hơn, lên đến từ 1,5 – 2 tấn/sào.

Với giá bán cao hơn rau chính vụ từ 1,5-2 lần, người trồng rau màu có lãi từ 3,5-4 triệu đồng/sào/lứa. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới thị trường dịp khan hiếm, mang lại thu nhập cao.

Mặc dù, thời tiết thuận lợi hoa màu được mùa, nhưng bà con vẫn mong muốn đầu ra cho sản phẩm luôn được ổn định không phải chịu thua thiệt khi "được mùa rớt giá". Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, hợp tác xã có 250 ha chuyên canh rau, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường 70-80 tấn.

Hiện, dây chuyền chế biến và các kho lạnh của hợp tác xã chưa đủ công suất bảo quản sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Do đó, hợp tác xã mong muốn được kết nối với nhiều nhà thu mua, phân phối để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đáp ứng được từ 30- 65% nhu cầu thị trường. Để đảm bảo nguồn hàng nông sản phục vụ người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội rất cần các nguồn cung từ các tỉnh, thành phố. Theo đó, Hà Nội cũng đã triển khai kết nối cung - cầu nông sản, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nguồn cung rau, củ, quả vụ Đông 2021 của Hà Nội rất dồi dào, song nhiều tỉnh, thành phố khác lại đứng trước lo lắng về “đầu ra” cho sản phẩm. Do vậy, Hà Nội đã giải quyết bài toán này bằng cách làm tốt công tác kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các địa phương. Đây là cơ hội để các địa phương lân cận đưa hàng về thành phố, nhất là dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm tăng cao. 

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai các điểm bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến với người tiêu dùng, giúp tiêu thụ nông sản an toàn, chất lượng cao đã được thẩm định đánh giá phân hạng được tốt hơn./.