Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thanh Tâm, tỉnh An Giang, dự kiến, tổng số tiền các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ Tết khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so năm trước. Trong số đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… khoảng 342 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.000 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, phong phú cho mùa mua sắm cuối năm và các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.
Tỉnh hiện có 451 cửa hàng bán hàng bình ổn thị trường, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, bao gồm 100 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm; 351 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Từ đó, cập nhật báo cáo tình hình theo quy định về Bộ Công Thương, UBND tỉnh để kịp thời có sự chỉ đạo, điều hành, điều tiết và bình ổn thị trường đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Hiện Sở Công Thương tỉnh An Giang cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, diễn biến thị trường trong và ngoài nước, thông tin sớm đến các doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các điểm tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh đến với người dân./.