Chuỗi thực phẩm Việt vẫn còn quy mô nhỏ và chất lượng không ổn định

Trong những năm qua, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch. Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển.

Đánh giá về chuỗi thực phẩm của Việt Nam, tại Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị gián đoạn thì Việt Nam vẫn đảm bảo an lương thực thực phẩm cho người dân và có dư để xuất khẩu.

tp1-1666085508.jpg
Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam

"Trong đó, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch. Tỷ lệ vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch… Tồn tại có nguyên nhân do chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó là hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ"- ông Tiệp cho biết.

Đưa ý kiến thêm về vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, nhược điểm trong sản xuất lưu thông phân phối hiện nay là chưa có tính tự giác trong sản xuất cũng như trong khâu chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Sản xuất còn theo phong trào, theo sự đồn thổi của thị trường, gây thừa, thiếu sản phẩm trên thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kiến thức đảm bảo vệ sinh ATTP còn kém. Nơi sản xuất chế biến thực phẩm chưa được đầu tư bài bản, thậm chí còn đơn sơ không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, nguồn gốc chế biến thực phẩm chưa được xét nghiệm, nguyên liệu dùng trong chế biến hết hạn sử dụng. Chi phí kiểm tra mẫu cao.

Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, để khắc phục những nhược điểm, hạn chế cần học hỏi các nước tiên tiến, giảm áp lực cho nhà sản xuất, chế biến, giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường. Kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hoá chất độc hại với môi trường... kiểm soát chặt chẽ khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thay đổi tập quán canh tác của người dân để đi tới phát triển đa dạng tập trung cho các sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng. Tiêu chuẩn hoá quy trình trồng và canh tác cho từng loại hoa màu đã chọn lọc.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích tập trung công nghiệp hoá hoa màu ngắn ngày chủ đạo, giảm thiểu canh tác tràn lan thiếu kiểm soát đồng bộ... Đặc biệt, bà Hậu đề xuất, cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh ATTP gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng.

bt-lmh-1666085508.jpg
Đại diện các cơ quan của Bộ NN-PTNT và TP.HCM ký thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Ảnh Chí Nhân

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, việc đảm bảo ATTP cần tránh tư duy khẩu hiệu. "Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam phải là việc của mỗi người, của cả xã hội, cộng đồng cùng chung tay để thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, của cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ chỉ đơn giản là việc mua - bán với người nông dân, mà mục tiêu, sứ mạng cuối cùng của doanh nghiệp là kiến tạo chia sẻ giá trị để thay đổi nhận thức.

"Nếu doanh nghiệp xem nông dân là bà con chứ không chỉ là đối tác làm ăn qua thương vụ, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều lần, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều lần và khi đó, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng đánh tráo nhãn mác sẽ giảm đi rất nhiều lần", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp cũng có thể thông báo cho chính quyền cơ sở, khuyến nông cộng đồng, hội nông dân về những hợp tác với nông dân, để từ đó minh mạch hoàn toàn thông tin về sự hợp tác giữa doanh nghiệp - nông dân, giữa nhà bán lẻ - nông dân, qua đó kích hoạt người nông dân thay đổi làm tốt lên.

Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện dần những quy định, đã đến lúc chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Hương Lan (T/h)