Sản phẩm OCOP được bắt đầu được khởi xướng ở Oita, Nhật Bản vào năm 1979, nhằm khuyến khích mỗi làng lựa chọn và phát triển một sản phẩm đặc biệt để phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển kinh tế. Đến nay đã có hơn 40 quốc gia ứng dụng và triển khai thành công trong đó có Việt Nam.
Nỗ lực nâng sao sản phẩm OCOP, không nên chạy theo số lượng
Tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình nhằm phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó ngành nông nghiệp nước nhà đã có hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng, trở thành quà tặng cấp quốc gia. Đây là kết quả rất đáng tự hào trong tái cơ cấu ngành, từ đó trở thành động lực thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Sau 5 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đã tạo được bước chuyển biến rõ nét trong phát huy thế mạnh vùng miền. Đến nay toàn tỉnh đã có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao 291 sản phẩm 3 sao. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2023 hoàn thành 120 sản phẩm.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số cơ quan đơn vị và chủ thể sản xuất chưa hiểu được hết tầm quan trọng của sản phẩm khi được công nhận là sản phẩm OCOP, cũng như giá trị thực sự tạo nên thương hiệu của sản phẩm mang lại để từ đó tập trung xây dựng nên một chuỗi sản xuất phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao.
Do nhận thức ban đầu về sản phẩm OCOP chưa đúng đắn dẫn đến thực trạng các chủ thể chỉ quan tâm đến số lượng được chứng nhận OCOP mà không để ý đến chất lượng sản phẩm có thể “xây dựng nên thương hiệu sản phẩm vùng miền” hay không, lợi nhuận kinh tế của sản phẩm khi được chứng nhận ra sao, chuỗi sản xuất đã đủ đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường như thế nào thì hầu như không ai để ý.
Là địa phương lâu nay vốn nổi tiếng với món ăn nem chua. Số hộ sản xuất kinh doanh về nem tại Thanh Hóa này rất nhiều, trải dài từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi đến các xã ven biển... Nếu như mỗi một xã trong tỉnh đều có người sản xuất nem chua, và đều tập trung xây dựng sản phẩm này đạt OCOP sẽ dẫn đến tình trạng “loạn sản phẩm”. Từ đó thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế.
Tính đến hiện tại, địa phương đã có 8 sản phẩm OCOP về nem. Nem chua là thương hiệu của tỉnh Thanh Hóa nói chung để cạnh tranh, phân biệt với các loại nem của vùng khác, chứ không phải sản phẩm đặc trưng của một số xã trên địa bàn tỉnh. Nếu người thực hiện và chủ thể sản phẩm cố gắng biến cái chung của tỉnh thành cái riêng của xã để đủ chỉ tiêu thì đã vô tình để sản phẩm thế mạnh của tỉnh thành sản phẩm tự cạnh tranh trong vùng, giảm khả năng “chiến đấu” so với trước.
Hay như mật ong rừng, toàn tỉnh Thanh Hóa có tới 14 sản phẩm OCOP 3 sao về mật ong. Trước đây, tại một số địa phương, mô hình nuôi ong đã giúp kinh tế hộ gia đình phát triển. Nhưng sẽ như thế nào nếu như những địa phương nuôi ong đều đầu tư xây dựng trở phẩm này thành sản phẩm OCOP?
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại Vinaco cho biết: “Theo tôi chính quyền không nên cấp chứng nhận một cách thoải mái như hiện nay, mà nên tập trung tìm cách liên kết các vùng sản xuất nguyên liệu giống nhau lại từ đó tạo nên chuỗi giá trị lớn mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường, khi đó mới chứng nhận là sản phẩm OCOP. Tránh tình trạng hàng loạt sản phẩm OCOP nhỏ lẻ giống nhau tự cạnh tranh dẫn đến giá trị kinh tế mang lại không cao.
Ngoài ra, tôi cũng thấy một số sản phẩm rất thông thường và thông dụng, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì cũng được công nhận là sản phẩm OCOP, như nước khoáng và một số sản phẩm khác... Có lẽ do chính quyền đang rất quan tâm hỗ trợ khi sản phẩm được chứng nhận nên mới xảy ra tình trạng trên chạy sản phẩm để nhận hỗ trợ ”.
Ông Hồ Ngọc Đại, một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “OCOP là chương trình thiết thực, nhưng một số cơ quan, doanh nghiệp chưa hiểu đúng, thực hiện theo kiểu bắt trước để có sản phẩm rất dễ dẫn đến thực trạng mỗi xã tiêu thụ một sản phẩm chứ sản phẩm chưa tạo ra mang nét đặc trưng về văn hóa, vùng đất của con người địa phương. Là một doanh nghiệp, theo tôi, nên tập trung xây dựng những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trở thành sản phẩm lớn mạnh mang đậm tính chất vùng miền, có tính cạnh tranh cao, từ 3 sao phát triển thành 4 sao, và từ 4 sao thành 5 sao... Khi những sản phẩm được chứng nhận đã phát triển và có sức ảnh hưởng nhất định, lúc đó mới bàn đến việc xem xét chứng nhận cho các sản phẩm tiếp theo”.
Đặt chỉ tiêu, manh nha sản phẩm OCOP thành tích
Để có sản phẩm được chứng nhận OCOP, hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu manh nha về việc chạy thành tích. Tìm cách để sản phẩm “thương hiệu” của địa phương được công nhận mà chưa tìm hiểu kỹ về năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dẫn đến tình trạng sản phẩm đã được chứng nhận nhưng vẫn phải loay hoay đi bán dạo trên phố như những sản phẩm thường.
Ngoài ra, việc khảo sát kỹ vùng nguyên liệu cũng như tập trung xây dựng những sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, thời vụ thành chuỗi sản xuất bền vững tại địa phương còn hạn chế, dẫn đến thực trạng một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận thì vùng nguyên liệu để sản xuất đã không còn.
Không chỉ có vậy, để hoàn thành mục tiêu XDNTM trong đó có sản phẩm OCOP, một số nơi đã đặt ra phương hướng xây dựng để sản phẩm quê hương được công nhận. Đặc biệt, tại một số xã vùng miền núi biên giới, đời sống sản xuất của bà con chủ yếu nằm ở khâu tự cung tự cấp. Trong khi sản phẩm OCOP là sản phẩm thương mại, vậy nên trước khi xây dựng sản phẩm phải xây dựng được vùng nguyên liệu, thay đổi tư duy sản xuất canh tác của bà con, để sản phẩm đó được thị trường đón nhận thì mới chứng nhận OCOP. Nhưng hầu như các địa phương đều làm ngược lại là sản phẩm được chứng nhận xong rồi mới loay hoay đi tìm thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về vấn đề này ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc giao khoán chỉ tiêu, nếu không hiểu đúng và bên được giao thực hiện theo kiểu đối phó thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng bệnh thành tích. Nhưng nếu như không giao thì địa phương sẽ không tập trung triển khai. Để hạn chế vấn đề thành tích OCOP, trước khi giao chỉ tiêu cho một xã nào đó, chúng tôi đều khảo sát qua năng lực thực sự của sản phẩm, tránh tình trạng sản phẩm được công nhận không phát triển được”.
Từ năm 2023, sản phẩm OCOP 3 sao được đưa về huyện chấm, công nhận liệu những sản phẩm được công nhận sau này có đủ sức cạnh tranh, lớn mạnh được hay không? Hay chỉ dừng lại ở chỗ các xã đã hoàn thành chỉ tiêu, đều có sản phẩm OCOP thì chưa ai dám khẳng định. Nhưng nếu cứ đà đếm số lượng sản phẩm hơn việc tập trung nâng sao thì sớm muộn OCOP sẽ bị các chính sản phẩm thường ép “chết”, bị người tiêu dùng tẩy chay.