Tuyên Quang tập trung cao độ hoàn thành kế hoạch trồng rừng 2024 và sẵn sàng cho vụ mới

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Với mục tiêu đặt ra là hết năm 2024, khai thác được 1,2 triệu m3 gỗ rừng trồng, đồng thời tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm 2025.

Đẩy mạnh khai thác hoàn thành mục tiêu

Trong bối cảnh cả nước đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Tuyên Quang đã xác định rõ mục tiêu cụ thể cho năm 2024. Các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đồng bộ, nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh tập chung khai thác gỗ hoàn thành kế hoạch năm 2024.

e4a8a1eac55b3eb5ab298be55e49c7a4-1732727352.jpg

Các đội sản xuất của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đang tập trung khai thác rừng để giải phóng đất chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm mới.

Theo đó, tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ khai thác diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác đang được các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết: Tính đến giữa tháng 11, Công ty đã khai thác được 270 ha, tương đương với 25.628 m3, đạt 91,53% kế hoạch năm. Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ khai thác đạt khoảng 300 ha để giải phóng đất trồng rừng vụ mới.

z6075837798503-7824ee562ef412fcd7848e32b776bd89-1732727502.jpg

Ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (đứng giữa tay cầm mũ).

Anh Lý Văn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật kiêm Đội trưởng đội sản xuất Đèo Mon, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương phấn khởi cho biết: Những tháng đầu năm mưa nhiều đội không thể khai thác nhưng đến thời điểm này nắng ráo rất thuận lợi để khai thác gỗ rừng trồng. Để hoàn thành mục tiêu khai thác đề ra, nhiều năm trở lại đây thay vì tự khai thác, đội thiết kế tính toán dự ước sản lượng thực hiện chào bán cây đứng, doanh nghiệp thu mua chủ động máy móc, phương tiện khai thác, vận chuyển nên tiến độ khai thác rừng rất nhanh.

Chỉ riêng trong nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, đội đã khai thác được trên 16 ha gần gấp đôi so với 9 tháng trước đó. Hiện tại đã có 26 ha rừng đã được thiết kế của đội được khai thác, tương đương với 2.500 m3. Gỗ được khai thác đến đâu vận chuyển về nhà máy, xưởng sản xuất của bạn hàng đến đó. Với tốc độ này, mục tiêu khai thác 30 ha trong năm nay của đội chắc chắn sẽ về đích sớm.

Công ty lâm nghiệp Yên Sơn cũng đang đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng đến chu kỳ theo đúng kế hoạch đặt ra. Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết: Kế hoạch năm 2024, Công ty khai thác 180 ha, tương đương với 18.500 m3. Đến tháng 11, Công ty đã khai thác được 173 ha, sản lượng gỗ thu về 19.400 m3, đạt 105% kế hoạch. Theo ông Quảng diện tích rừng khai thác năm nay đều là những lô rừng gỗ lớn nên năng suất, chất lượng rừng rất tốt, có những lô rừng đạt trên 180 m3/ha.

Ông Lý Xuân Bình Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Giá gỗ nguyên liệu đang tương đối ổn định khoảng từ 850 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng/m3 tùy theo từng kích cỡ. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã mở rộng sản lượng thu mua. Do đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình có diện tích rừng đến chu kỳ khai thác nắm bắt thông tin, tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ khai thác nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu của của đối tác. 

Đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã có 8.754,69 ha rừng trồng được khai thác, sản lượng ước đạt trên 1 triệu m3, đạt 83,3% kế hoạch. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng gần 1.000 ha rừng đến tuổi sẽ được khai thác. Như vậy sẽ có khoảng 10.000 ha đất rừng sẽ được giải phóng để tái trồng rừng trở lại trong mùa trồng rừng 2025 sắp tới.

Chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới

Bên cạnh việc hoàn thành kế hoạch kinh tế, Tuyên Quang cũng đang tích cực chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Những cánh rừng không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích người dân tham gia trồng rừng, với những chính sách hỗ trợ giống cây và kỹ thuật trồng.

z6075837801042-08011a7d76b158c15f9f2228e96a57d4-1732727574.jpg

Hướng tới những cánh rừng xanh bạt ngàn vào năm 2025.

Cùng với việc khai thác, các đội sản xuất của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương và nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn Sơn Dương đã tiến hành thu dọn thực bì cho rừng. Ông Hoàng Hải Nguyên, xã Thượng Ấm chia sẻ: Trồng rừng là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của gia đình, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Do đó, người trồng rừng như ông không bao giờ chậm trễ, khai thác đến đâu xử lý thực bì đến đó, khi đến mùa trồng rừng là cuốc hố, xuống giống cây, nhanh chóng hồi sinh lại rừng.

Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, toàn bộ diện tích rừng được khai thác đến đâu, Công ty yêu cầu các đội thu dọn, vệ sinh rừng đến đó để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho công tác trồng rừng năm 2025. Cùng với đó, Công ty cũng đã lên kế hoạch trồng rừng vụ mới. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, hạn chế sâu, bệnh hại, những diện tích đất đã trồng keo 2 chu kỳ Công ty sẽ thay thế bằng loài cây khác như bồ đề, mỡ, bạch đàn để ngăn chặn sâu, bệnh hại tồn lưu trong đất, tàn dư rừng lan truyền gây hại cho cây non.

Anh Nguyễn Văn Hòa, một người nông dân ở huyện Yên Sơn chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi biết rằng vụ trồng rừng năm nay sẽ được hỗ trợ toàn diện. Trồng rừng không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo vệ môi trường".

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng Tuyên Quang cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2024 và vụ trồng rừng mới. Những thay đổi khí hậu do thời tiết, sự phân bố không đồng đều của nguồn nước, cùng với tâm lý ngần ngại của một số ít người dân trong việc đầu tư vào trồng rừng.

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đang quyết tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả, phối hợp cùng các tổ chức, các chuyên gia để tìm ra giải pháp hiệu quả, đưa ra các chính sách thiết thực và tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc trồng rừng.

Theo ông Lý Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thời điểm những tháng cuối năm, thời tiết khô hanh rất thuận lợi cho việc khai thác rừng song cũng có những bất lợi cho công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng nếu không thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình xử lý thực bì sau khai thác. Vì vậy Chi cục yêu cầu, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; phát huy trách nhiệm kiểm tra của chính quyền địa phương, chủ rừng, đơn vị hoạt động ven rừng trong đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nếu có cháy xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân. 

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch của năm 2024 và hướng tới mục tiêu năm 2025 đạt kết quả cao. Tỉnh cũng coi ngành Kiểm lâm là một trong những ngành mũi nhọn về phát triển kinh tế xã hội, cần đẩy mạnh việc trồng và khai thác có hiệu quả tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân để người dân hiểu được những lợi ích của việc trồng và khai thác từ rừng sản xuất giúp người dân nâng cao đời sống. Từ đó thực hiện được mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo nhất là các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh.

Với những chính sách và giải pháp đồng bộ của tỉnh Tuyên Quang, năm 2025 sẽ là năm với nhiều thành công về phát triển kinh tế xã hội trong đó có sự đóng góp lớn của ngành kiểm lâm tỉnh./.

Xuân Hiếu