Quảng cáo #128

Việt Nam cần nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp để đáp ứng yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu. Đồng thời chuyên gia khuyến nghị cần thiết kế hệ sinh thái bao gồm áp dụng kinh tế tuần hoàn để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, đưa nền kinh tế tuần hoàn vào trong chiến lược khí hậu của Việt Nam, giảm sử dụng nguyên nhiên vật liệu, tăng cường kết nối với thị trường toàn cầu.

Nội dung trên là chủ đề được thảo luận và thu hút được sự quan tâm tại "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do Báo Điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam diễn ra ngày 26/11.

dien-dan-kinh-te-xanh-1-1732781189.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. (Ảnh VOV)

Cần áp dụng nguyên tắc 20-80 khi thực hiện chuyển đổi xanh

Nói về vấn đề phát triển kinh tế xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, hiện nay thế giới đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Kinh tế tuần hoàn đã được thế giới công nhận là công cụ duy nhất để hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kinh tế tuần hoàn giúp cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, từ đó giảm lượng phát thải.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, trong các lĩnh vực, muốn chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, cần sử dụng nguyên tắc 20-80 trong kinh doanh, tức sử dụng 20% nguồn lực để tạo ra 80% kết quả.

“Hiện nay có thách thức rất lớn là khi chúng ta chuyển đổi sang nền kinh tế xanh lại tiêu tốn khoáng sản, nguyên, nhiên vật liệu rất lớn, quá trình này có thể gây phát thải nhiều hơn khi không đổi chuyển. Bên cạnh đó, kết quả của việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng sạch như sử dụng năng lượng điện mặt trời, năng lượng gió ở một số quốc gia cũng đang đối mặt với thách thức về tái sử dụng các vật liệu sau khi hết niên hạn sử dụng. Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

dien-dan-kinh-te-xanh-3-1732781218.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) trình bày nội dung về: "Kinh tế tuần hoàn và Quản lý phát thải carbon".(Ảnh VOV)

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thọ, kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu từ khâu thiết kế. Ngay từ đầu cần tính toán, nếu sử dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh thì những sản phẩm tạo ra sẽ tiêu tốn bao nhiêu phát thải carbon và sau khi kết thúc vòng đời của quá trình đó sẽ tái sử dụng những vật liệu như pin mặt trời, pin điện xe ô tô, điện gió như thế nào. Đơn cử như việc chuyển đổi sang xe điện đang được coi là xu thế chung trên toàn cầu, nhưng xe vẫn cắm điện sử dụng nguồn điện than. Xe điện có thể giảm phát thải ở các đô thị như Hà Nội, nhưng lại chuyển quá trình phát thải về Quảng Ninh - nơi có các nhà máy nhiệt điện. Như vậy quá trình chuyển đổi sang xe điện không có quá nhiều khác biệt nếu vẫn đang sử dụng điện than.

Từ ví dụ trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chỉ ra rằng, nền kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu từ việc thiết kế sản phẩm, sản xuất, tiêu thụ cho đến thu gom, phân loại, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng chất thải, tái khai thác chất thải… Đây là thách thức rất lớn thời gian tới nền kinh tế cần đạt được.

Nông nghiệp sạch và bền vững để đạt được mục tiêu phát thải trong nông nghiệp

Điểm danh các lĩnh vực phát thải lớn hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, trước tiên cần kể đến ngành thực phẩm, chiếm 1/3 phát thải toàn cầu. Nếu chúng ta chuyển sang một nền nông nghiệp sạch và bền vững trên cơ sở nguyên lý tuần hoàn đảm bảo việc phát thải và hấp thụ CO2 trong nông nghiệp bằng 0 hoặc âm. Bên cạnh đó, đảm bảo việc thiết kế hệ thống lương thực tái tạo hệ sinh thái tự nhiên thì sẽ đạt được mục tiêu phát thải trong nông nghiệp cũng như giảm bao bì, đóng gói trong quá trình vận chuyển.

Lĩnh vực thứ 2 là xây dựng, các vật liệu xây dựng như xi măng, thép, bê tông chiếm một lượng lớn phát thải nhà kính lớn. Hiện nay ngành xây dựng chiếm từ 8-10% tổng số phát thải. Do đó, việc cải thiện hình thức thiết kế, thay thế vật liệu, tái chế, tái sử dụng vật liệu, thay thế các vật liệu cũ như xi măng, sắt thép bằng các vật liệu tái chế, tái sử dụng sẽ cải thiện được tỷ lệ phát thải trong xây dựng.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho biết, tương tự xây dựng, ở lĩnh vực giao thông vận tải, mức độ phát thải cũng chiếm từ 8-10%. Đây đều là những lĩnh vực cần tập trung để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Giao thông vận tải diễn ra trong suốt chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững từ quá trình thiết kế, sản xuất, thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải đều liên quan tới giao thông vận tải.

dien-dan-kinh-te-xanh-4-1732781281.jpg
Các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Thống kê trên thế giới cho thấy 1 xe ô tô trung bình chỉ chứa khoảng 1,4-1,5 người, hầu hết mọi người đi 1 mình 1 xe, đôi khi đi 2 người 1 xe, có đến 30% xe thường xuyên chạy không tải, 90% xe đỗ tại chỗ. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, nếu áp dụng chuyển đổi số để chuyển sang đi xe chung hoặc sử dụng phương tiện vận tải công cộng, lấp chỗ trống trên xe tải, giảm việc xe tải chạy không trong quá trình vận chuyển sẽ cải thiện được vấn đề tuần hoàn trong giao thông.

“Xe điện là một giải pháp để hướng tới nền kinh tế phát thải thấp, tuy nhiên việc sử dụng xe điện cũng cần đặt trong chuỗi tiêu dùng và phát triển bền vững. Có nghĩa là xe điện phải sử dụng năng lượng tái tạo. Vòng đời của xe điện kết thúc cần tái chế, tái sử dụng được xe và tái chế, tái sử dụng pin của xe điện, như vậy mới có thể góp phần giảm phát thải. Nếu không, quá trình chuyển sang xe điện sẽ tốn kém hơn, đắt hơn, pin xe điện phát thải nhiều hơn, đặc biệt khi pin sạc nhiệt điện than thì không thể giải quyết được vấn đề xe điện làm giảm ô nhiễm, thậm chí còn làm tăng ô nhiễm.

Trong lĩnh vực giao thông, cần thiết kế cả chuỗi cung ứng, điện lấy từ năng lượng mặt trời, xe điện, quá trình tái chế xe điện không được làm phát sinh chất thải. Đây là thách thức rất lớn với thế giới”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, một số lĩnh vực phát thải lớn khác như dệt may, mỗi năm thế giới tiêu thụ 100 tỷ sản phẩm, tạo ra 92 triệu chất thải rắn, sử dụng 93 tỷ m3 nước, gây ra phát thải 8-10% tương đương với lĩnh vực giao thông và lĩnh vực xây dựng.

Chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp để đáp ứng yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu

Nhấn mạnh nếu Việt Nam không chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ khuyến nghị cần thiết kế hệ sinh thái bao gồm áp dụng kinh tế tuần hoàn để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, đưa nền kinh tế tuần hoàn vào trong chiến lược khí hậu của Việt Nam, giảm sử dụng nguyên nhiên vật liệu, tăng cường kết nối với thị trường toàn cầu. Hiện nay theo sáng kiến tại COP26, Ấn Độ và Anh Quốc đã đề nghị hệ thống kết nối điện từ châu Á sang châu Âu. Tại khu vực ASEAN, một số quốc gia đã xuất khẩu năng lượng, Việt Nam với tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi, có rất nhiều cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo và kết nối với các thị trường toàn cầu.

Còn theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế, để phát triển nền kinh tế xanh, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH. Chính phủ cũng cần sớm ban hành danh mục “phân loại xanh”, trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, giao tổ chức độc lập “xác nhận” xanh; Có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường (tiêu chí “dự án, công trình, nhà máy xanh....”).

Đặc biệt Nhà nước cần sớm ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, nhất là tiêu dùng, sinh hoạt… đầu tư “xanh” như năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng...., khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ tài chính như thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có… cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”.

dien-dan-kinh-te-xanh-2-1732781319.jpg
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế tham luận về nội dung: "Huy động nguồn lực tài chính xanh phục vụ phát triển bền vững". (Ảnh VOV)

Nghiên cứu thành lập “quỹ chuyển đổi xanh”, “quỹ tăng trưởng xanh”, thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh” cũng như xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh, sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực. Đặc biệt, chuyên gia cho rằng cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa, tăng cường giáo dục tài chính; Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế của toàn thế giới và phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới./.

Nguyễn Trang