Thời gian gần đây, tư duy nâng tầm sản phẩm để đưa nông sản Thanh Hóa “vượt đại dương” đã hình thành ở nhiều chủ thể sản xuất. Trong đó một số sản phẩm OCOP đóng vai trò tiên phong đi đầu trong phong trào “xuất ngoại”, từ đó đưa giá trị nông sản Việt sánh ngang cùng bạn bè quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm OCOP tìm được thị trường xuất khẩu. Trong đó có những sản phẩm chủ thể sản xuất đã ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty Việt Anh (Nga Sơn) chuẩn OCOP 4 sao đã xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty Bamboo Vina (Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Úc…
Hay như sản phẩm Yến sào xứ Thanh của Công ty Yến sào xứ Thanh. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, thị trường tiêu thụ của sản phẩm không chỉ phát triển trong nước, mà còn vươn tầm ra một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc và Đài Loan.
Cùng với đó, một số gia vị mang đậm bản sắc Việt Nam cũng góp mặt trên thị trường quốc tế như lô hàng nước mắm và mắm tôm Lê Gia cũng được ký kết hợp tác xuất khẩu tại những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Trước đó, sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan. Mắm Lê Gia là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại, được sản xuất bởi Công ty Lê Gia ở huyện Hoằng Hóa. Để nhập khẩu vào các thị trường “khó tính” trên, chủ thể phải đáp ứng những quy định hết sức khắt khe.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia cho biết: “Để sản phẩm có thể xuất khẩu, cần tập trung ứng dụng công nghệ mới để làm ra sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, người nước ngoài rất quan tâm đến quy trình sản xuất, cũng như bảo quản sản phẩm. Ngoài ra cũng cần hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng tin cậy, từ đó đưa sản phẩm đến gần hơn khách hàng, nhất là khách nước ngoài”.
Không chỉ xuất khẩu về những mặt hàng đã chế biết, hệ thống rau củ quả ở Thanh Hóa cũng được ưu tiên đầu tư sản xuất để trở thành mặt hàng xuất khẩu. Tháng 6/2023, tấn vải không hạt đầu tiên đã được Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Quả vải xuất khẩu được trồng thử nghiệm tại huyện Ngọc Lặc theo quy trình GlobalGAP. Với việc đưa quả vải trồng ở xứ Thanh sang hai thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới hiện nay, dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng đã tạo dấu mốc mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa.
Từ khi thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (COOP) đã tạo tiền đề để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ chỗ thâm canh nhỏ lẻ, manh mún từng bước được quy hoạch, sản xuất theo dây chuyền hiện đại để nâng cao chất lượng. Sản phẩm tạo ra không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến thị trường quốc tế.
Sau 5 năm thực hiện, với 22 sản phẩm OCOP tiếp cận được thị trường nước ngoài được xem là bước khởi đầu thuận lợi. Nhưng so với số lượng và sản lượng nông sản mà Thanh Hóa đang có thì con số này còn ở mức hạn chế, do đa số các hộ sản xuất vì lợi ích trước mắt đã không tuân thủ nghiêm quy trình “sạch” dẫn đến giá trị nông sản giảm, khó cạnh tranh.
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Thanh Hóa còn khiêm tốn dẫn đến nguồn vốn ít, tiếp cận công nghệ thấp, do đó rất khó để xây dựng được chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chí xuất khẩu.