Thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng
Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
Chia sẻ tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?”, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Sau khi cơn bão số 3 đi qua thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn. Ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.
Là địa bàn bị bão số 3 trực tiếp đổ bộ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: Sau bão, Hạ Long bị tàn phá như vừa có chiến tranh. Bão làm hư hại trên 1.000 trụ sở cơ quan, trường học, địa điểm kinh doanh. 23.000ha rừng bị đổ gãy hoàn toàn. Ước tính Hạ Long bị thiệt hại do bão khoảng 9.500 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tổn thất 3.700 tỉ đồng.
Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, bão số 3 còn làm ảnh hưởng tới cơ hôi kinh doanh của doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Thanh, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO: "Với kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều toà nhà ven biển. Tòa nhà này đặt toàn bộ kính chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp có giải pháp chuẩn bị kỹ nhất ứng phó cơn bão. Khi nhận thông tin bão, chúng tôi thành lập các tiểu ban để hạn chế sức tàn phá của bão.
Tuy nhiên, khi cơn bão quét qua, tất cả bằng 0, cơn bão này vượt hết các quy chuẩn, hàng trăm căn hộ bị bay kính. Thiệt hại của doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Đây chỉ là con số thiệt hại trước mắt nhưng nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công. Chúng tôi dự kiến phải mới từ 3 - 3,5 tháng mới đi vào hoạt động trở lại. Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão" - ông Đỗ Việt Thanh kiến nghị.
Cần chính sách chuyên biệt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 gây ra, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đề xuất cần có cơ chế, chính sách chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão và mưa lũ, nhất là những người dân bị mất trắng tài sản.
Mặt khác, chính sách, thủ tục để giãn, hoãn tiền thuế, giảm lãi suất… cần khẩn trương, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp đang chạy nước rút để đảm bảo cho đơn hàng cuối năm.
Đồng tình với việc có cơ chế hỗ trợ người dân bị thảm họa thiên tai, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng cầnchính sách cần đồng bộ. Còn về phía ngành ngân hàng, ngoài việc đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Như khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo quy định tại nghị định 55 năm 2015, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay. Đặc biệt, chính sách hiện hành cũng cho phép khoanh nợ tối đa 2 năm để hỗ trợ khách hàng.
Còn đối với các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng. Đồng thời trình Chính phủ ban hành quyết định giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đại diện địa phương, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp cơ quan thuế, ngân hàng triển khai việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, tiền lãi vay… để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp vì tài sản mất trắng hoặc có tài sản đang cầm cố ngân hàng, tỉnh đã có nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với các hộ dân. Nhưng số tiền được vay không nhiều. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan trung ương hỗ trợ doanh nghiệp có tàu du lịch bị đắm.
Bên cạnh đó, để tăng cường hỗ trợ người dân, ông Trần Đình Luân cho hay, trong thời gian tới chúng tôi đề xuất những chính sách cho ngành nghề rủi ro như nuôi biển, có thể hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản, để người dân được tiếp cận thường xuyên, liên tục hơn. Bộ NN&PTNT đang soạn thảo để trình Chính phủ chính sách này. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi trồng thủy sản để hạn chế mức độ rủi ro ít nhất cho người dân./.