Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024 do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức.
Cả nước có khoảng 21.100 HTX nông nghiệp, 100 liên hiệp HTX
Tại hội nghị, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ước tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 21.100 HTX nông nghiệp, 100 liên hiệp HTX (tăng 311 HTX so với thời điểm tháng 12/2023). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương cả nước đã thành lập mới 395 HTX nông nghiệp, đồng thời giải thế 84 HTX nông nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
Các HTX đã thu hút 4,18 triệu thành viên tham gia, bình quân 1 HTX có 201 thành viên. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 2,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/HTX/năm.
Khoảng 65% HTX nông nghiệp được xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên.
Cả nước hiện có 2.169 HTX nông nghiệp có các sản phẩm OCOP, chiếm 37,9% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận. Có khoảng trên 1.000 HTX đã tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, lĩnh vực kinh tế hợp tác đang hoạt động trên 3 trục phát triển và thời gian tới phải nâng lên con số 5.
Cần xác định 5 trục phát triển cho kinh tế hợp tác
Theo đó, trục đầu tiên là đào tạo nhân lực cho các HTX. Hiện nay ngoài công tác chuyên môn về nông nghiệp, các HTX cũng đang rất cần được đào tạo, bổ sung nhân lực về kế toán, tài chính.
Trục thứ hai là mở rộng quy mô hoạt động của các HTX, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị chứ không dừng lại ở các mô hình nhỏ lẻ.
Thứ ba là ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các HTX, ví dụ như sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động.
Từ 3 trục phát triển này, Cục trưởng Lê Đức Thịnh đưa thêm 2 trục phát triển mới cho kinh tế hợp tác. Thứ nhất là hỗ trợ hạ tầng cho các HTX. Thứ hai là tổ chức, đánh giá môi trường kinh doanh cho các địa phương để tạo cơ hội kinh doanh, hoạt động rõ rệt hơn cho các HTX.
Về nhiệm vụ cụ thể với lĩnh vực kinh tế hợp tác, ông Lê Đức Thịnh chỉ đạo các đơn vị của Cục tập trung cho hội nghị sơ kết Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giao đoạn 2022 - 2025 vì đây là nền tảng để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời triển khai chương trình đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh cho HTX tại từng địa phương. Với hệ thống trang trại, ông Thịnh đề nghị các phòng, ban của Cục lên kế hoạch cụ thể các việc cần phải làm sau khi nghị định về trang trại ra đời.
Liên quan tới vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh cần thay đổi cách tiếp cận, cụ thể là đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ. Trong đó, đồng bộ cả về thiết bị, cả về nhân lực, do đó cần quan tâm hơn đến vấn đề đào tạo.
“Cần thay đổi không gian cơ giới hóa. Chúng ta không dừng lại ở từng hộ mà thông qua các tổ chức dùng chung máy của nông dân để sử dụng máy móc công suất cao, tăng hiệu quả và tránh lãng phí”, ông Lê Đức Thịnh gợi ý./.