Phát huy vai trò kinh tế hợp tác xã trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại miền núi

Mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, xã hội ở các xã vùng cao.
tu-1695319801.jpgHTX chè Bình Sơn với 20 hội viên chính thức và 100 thành viên liên kết, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Phát triển kinh tế miền núi trong những năm qua luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền. Xác định nền kinh tế tập thể HTX là khâu then chốt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy kinh tế ở đồng bào các dân tộc vùng cao phát triển vững chắc.

Để thúc đẩy, khuyến khích phát triển kinh tế, trong đó có mô hình HTX nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021, phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số chính sách hỗ trợ như nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững.

dl1-1695320147.jpgMô hình phát triển cây dược liệu của HTX tại các huyện miền núi được kỳ vọng giúp người dân thoát nghèo.

Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế HTX đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, vận động các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên và người lao động vùng cao.

Tại xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, trước đây, đa số người dân chủ trồng cây mía, hương bài, dong riêng… mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Năm 2004, HTX nông nghiệp dịch vụ Yên Lạc được thành lập đã từng bước chuyển dịch kinh tế sản xuất hộ gia đình sang kinh tế tập thể, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng do riềng cho năng xuất cao. Với 18 thành viên cùng hàng chục lao động tại địa phương tham gia sản xuất. HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, biến cây trồng của địa phương thành sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi năm sản xuất từ 100 - 150 tấn miến dong xuất bán ra thị trường, doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng.

4-1695310290.jpgÔng Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Yên Lạc, người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất.

Ông Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX cho hay, với mục tiêu sản xuất, cung ứng sản phẩm miến dong an toàn chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX sản xuất miến dong Yên Lạc đã liên kết với các hộ trồng dong riềng ở địa phương để hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời bao tiêu sản phẩm, để từ đó có thể chủ động được nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho các thành viên HTX và người dân vùng nguyên liệu...

Ghi nhận tại khu sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, từ khi HTX dược liệu Pù Luông được thành lập đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất thuần nông kém hiệu quả sang sản xuất hàng dịch vụ thương mại. Từ trồng ngô, sắn cho năng xuất thấp sang trồng cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Vi Văn Thái, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước cho biết: “Trước đây chúng tôi đa số trồng ngô và sắn năng xuất thấp, nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng dược liệu, những năm đầu thu hoạch giá trị đã tăng cao gấp 4 đến 5 lần so với loại hoa màu khác”.

Không chỉ giúp các thành viên có thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, HTX còn thay đổi nhận thức, từ người nông dân chuyển dân sang thương nhân, sản xuất không chỉ dừng lại ở chỗ phục vụ nhu cầu gia đình mà phải phát triển thành hàng hóa xuất bán ra thị trường, góp xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Pù Luông chia sẻ: “Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình, không nghĩ đến việc sản xuất để buôn bán nên chất lượng cũng như số lượng sản phẩm rất nhỏ lẻ. Nhưng từ khi HTX được thành lập, đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng. Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên và bà con ứng dụng các kỹ thuật, cây giống mới vào sản xuất cho hiệu quả”.

“Với đặc thù là vùng núi cao, nằm trong hệ sinh thái Pù Luông, nơi đây có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu như cà gai leo, Hạ thủ ô, sâm báo… Nhưng để cho bà con chấp nhận từ bỏ cây sắn, cây ngô để trồng cây dược liệu là điều rất khó, chúng tôi phải phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, ngoài ra các hội viên cũng phải nêu gương đi trước để người dân thấy rõ lợi nhuận từ cây dược liệu, có như vậy mới quy hoạch và mở rộng diện tích được”. Ông Thân chia sẻ thêm.

Đến nay, HTX Dược liệu Pù luông, đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng nhà chế biến dược liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, ổn định doanh thu, tạo việc làm cho 37 thành viên, người lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể, nhiều HTX đã quan tâm phát triển thêm thành viên và huy động thêm vốn góp, đầu tư nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ, như: xây dựng nhà lưới, nhà thủy canh, mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cấy - mạ khay, cải tạo nâng cấp lưới điện, trạm bơm nước, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng…

Ngoài ra, nhiều HTX đã ký kết với doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp công nghệ cao... góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm, cải thiện đời sống bà con, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Hà Khải