Cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ

Mưa lũ gây ngập lụt các diện tích trồng bưởi Phúc Trạch gây nấm bệnh và thối rễ tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Ngay sau khi nước lũ rút, người trồng bưởi và các nhà chuyên môn đã bắt tay vào việc giải độc, xử lý và hồi phục cho cây bưởi Phúc Trạch tại địa phương.
398493685-643105164653124-3935555621011977373-n-1699229874.jpg
Hướng dẫn cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ.

Bưởi Phúc Trạch là loại cây đặc sản, hằng năm mang lại nguồn thu khá cho người dân huyện miền núi Hương Khê. Nhưng hằng năm, loại cây này thường bị ngập lũ nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Từ đây ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người trồng bưởi. Vì vậy, vấn đề xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ được người dân và các ngành chuyên môn địa phương hết sức quan tâm.

Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, trận lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua đã khiến 536 ha cây ăn quả bị ngập. Trong đó, 500 ha Bưởi Phúc Trạch và 36 ha cam các loại, tập trung ở các xã Hương Trạch (90 ha), Lộc Yên (85 ha), Hương Xuân (35 ha), Phú Gia (15 ha), Hương Thủy (115 ha), Gia Phố (30 ha), Hương Giang (17 ha).

z4850943738284-939770e5b61d0fc27e397afd6f20ed6e-1699229894.jpg
Mưa lũ ngây ngập lụt tại các diện tích trồng bưởi Phúc Trạch.

Ngay sau khi nước rút, trên những cây bưởi được bao phủ bởi một lớp bùn. Vài ngày sau, lá cây ngả vàng và bắt đầu rụng lá.

Để giúp người dân trồng bưởi chăm sóc, phục hồi cây bưởi sau mưa lũ, những ngày qua, Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã đến tận vườn để hướng dân người dân về cách chăm sóc, giải độc cho cây bưởi sau mưa lũ.

z4850943738283-ef5e69cca9027ce47d8d1011631fa2ac-1699229900.jpg

Những vườn bưởi bị ngập lũ 2 đến 3 ngày.

Mỗi xã, sẽ chọn một vườn hộ để cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăm sóc cho cây bưởi sau mưa lũ để các hộ dân về áp dụng cho vườn bưởi nhà mình.

Vườn bưởi của hộ gia đình ông Phạm Dương Lành (thôn Tân Thành, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có trên 150 gốc bưởi Phúc Trạch, trồng trên 3 năm tuổi. Đợt lũ vừa qua, vườn bưởi của ông bị ngập lụt trong thời gian 2 ngày. Sau khi nước lũ rút, cây bưởi xuất hiện tình trạng rụng lá, nhiều cây bưởi ảnh hưởng nặng khó hồi phục.

buoi-ngap-1-1699230444.jpg
Sau khi nước lũ rút, nhiều diện tích bưởi có hiện tượng héo, rụng lá.

Ông Lành cho biết: Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình phát triển tốt và sắp cho thu hoạch vào mùa vụ tới. Gia đình đã đầu tư công sức, tiền của từ mua cây giống, bón phân, mua thuốc phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc, làm cỏ thường xuyên cho cây cũng rất tốn kém. Chúng tôi kỳ vọng vụ tới vườn bưởi sẽ cho quả thu hoạch, nhưng tất cả công sức đầu tư trong 3 năm chỉ một trận lũ đã cuốn đi tất cả, giờ chỉ mong cứu được cây nào hay cây ấy.

Hương Trạch là xã có diện tích bưởi Phúc Trạch nhiều nhất huyện Hương Khê và có tới 90 ha bưởi bị ngập trong trận lũ vừa qua. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong huyện phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đến trực tiếp tại các hộ gia đình có vườn bưởi bị ảnh hưởng lũ lụt, tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con cách nhận biết và phòng trừ một số loại sâu bệnh thường xẩy ra sau lũ trên cây bưởi Phúc Trạch, như: bệnh thối rễ vàng lá, chảy nhựa trên cây bưởi.

buoi-ngap-2-1699230435.jpg
Cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê hưỡng dẫn người dân cách chăm sóc cây bưởi sau mưa lũ.

Ngay sau khi nước lũ rút, Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê đã tổ chức khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và phân công cán bộ kỹ thuật, phối hợp với các xã về tận hộ dân, đến các vườn bưởi Phúc Trạch bị ngập lụt để hướng dẫn cho bà con nhân dân cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ.

Theo chị Nguyễn Thị Bích Hồng - cán bộ kỹ thuật Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê cho biết: Khi vườn cây ăn quả bị ngập úng đất sẽ bị thiếu oxy; trong đất chứa nhiều độc tố và các loại nấm bệnh phát sinh mạnh gây hại cho bộ rễ.

398534951-643109124652728-1563055088351579020-n-1699229908.jpg
Người dân được hướng dẫn trực tiếp ngay tại vườn.

Khi bộ rễ bị tổn thương tạo điều kiện cho các loại nấm xâm nhập và gây ra bệnh thối rễ vàng lá, chảy nhựa. Tuy nhiên, về cách xử lý và các loại thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng cho cây ăn quả ở mỗi thời điểm lại khác nhau, đòi hỏi người dân phải nắm chính xác kỹ thuật để thực hiện hiệu quả.

Riêng về hiện tượng rụng lá, héo lá ở nhiều vườn bưởi hiện nay, nguyên nhân là do các vườn bưởi bị ngập, phù sa bám vào khiến lá không thể quang hợp, hô hấp. Với những cây bưởi nhỏ tuổi, bị ngập hoàn toàn thì tỷ lệ chết khá cao. Do đó, khi nước rút, người dân cần nhanh chóng tưới nước, rửa trôi phù sa trên lá cũng như tiến hành các biện pháp tăng oxy cho bộ rễ.

buoi-ngap-4-1699230426.jpg
Theo kế hoạch, mỗi xã tại huyện Hương Khê sẽ tổ chức một buổi hướng dẫn cho người trồng bưởi.

Theo kế hoạch, đợt này huyện Hương Khê sẽ tổ chức 24 lớp, tại 13 xã, thị trấn với hình thức hướng dẫn trực tiếp trên các cây bưởi, vườn bưởi bị ngập lũ cho cán bộ khuyến nông và các hộ dân trồng bưởi trên địa bàn.

Để chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ, người dân cần tiến hành các bước sau:

1. Thoát, thu nước và rửa bùn:

- Khơi thông hệ thống thoát và thu nước quanh vườn và rãnh giữa hai hàng cây với mục đích thu nước, không để đọng lại ở rễ cây sau khi mưa để ngăn ngừa sự lây lan của nấm bệnh.

- Nước rút đến đâu dùng vòi nước sạch xịt đến đó; nếu chỗ không có nước sạch để xịt rưả thì phải khơi thông thoáng bùn, đất ở cội rễ, dùng chổi trện quét sạch phù sa còn sót trên gốc, thân, cành sau lũ, lụt và dùng nước rửa sạch và có thể hòa nước vôi trong quét lên thân, cành…

2. Vệ sinh sạch sẽ vườn cây bằng cách:

Thu gom hết rác, cỏ khô và ngay cả vật tư tủ gốc còn sót lại rồi phơi khô rồi chôn hoặc đốt.

3. Cắt tỉa:

Cắt bỏ bớt tán cây, cành khô, cành héo, cành vượt tán tạo thông thoáng cho cây trồng làm giảm sự thoát hơi nước khi bộ rễ và hạn chế sâu, bệnh hại.

4. Vôi bột:

Vãi đều 25 - 35 kg lên nền đất sau khi đã vệ sinh sạch sẽ cho 500m2 (1 sào), tương đương 17 - 20 cây bưởi Phúc Trạch.

5. Xới xáo, làm cỏ:

Sau khi thời tiết nắng ráo và đất rút nước khô ráo chúng ta xới xáo nhẹ trong tán cây tránh chạm rễ và nhặt sạch cỏ đồng thời phát sạch cỏ sát mặt đất trên toàn vườn để tạo thông thoáng cho bộ rễ hô hấp.

Nguyễn Duyên