Các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới mong muốn hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với Việt Nam; Đồng thời xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.

Trưa 11/3 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và thế giới trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam-New Zealand.

thu-tuong-lam-viec-voi-tap-doan-01-1710143668.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các doanh nghiệp New Zealand.(Ảnh TTXVN)

Thủ tướng tọa đàm với các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội đồng kinh doanh ASEAN-New Zealand phối hợp tổ chức. Cùng dự tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Về phía New Zealand có Thị trưởng thành phố Wellington, Thị trưởng thành phố Palmerston North; Đại sứ New Zealand tại Việt Nam và đông đảo đại diện các hiệp hội, cơ quan, doanh nghiệp New Zealand tham dự.

Tham dự hội nghị có các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu hàng đầu, như ANZ (ngân hàng lớn thứ 2 của Australia tính theo tài sản và ngân hàng lớn thứ 4 thế giới tính theo vốn thị trường), Fonterra (tập đoàn tư nhân lớn nhất New Zealand và là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất trên thế giới, chiếm 30% thị trường tiêu dùng toàn cầu với lợi nhuận năm 2023 đạt hơn 22 tỷ USD), Viện nghiên cứu hàng đầu New Zealand GNS Science, Đại học Công nghệ Auckland hàng đầu New Zealand, Zespri International Limited (tập đoàn sản xuất và phân phối kiwi hàng đầu của New Zealand, doanh thu 2023 đạt gần 4 tỷ USD), T&G (tập đoàn hàng đầu của New Zealand trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, với doanh thu 2023 đạt 1,29 tỷ USD), TMC (công ty xuất khẩu dệt may hàng đầu tại New Zealand), Reveal (công ty hàng đầu tại Australia và New Zealand trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, và xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm, sử dụng các công nghệ mới như quét 3D và phân tích địa lý), Biolumic (tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại New Zealand), New Zealand Wind Energy (doanh nghiệp mới nổi trong lĩnh vực phát triển năng lượng gió), Viện Nghiên cứu Cây trồng và thực phẩm New Zealand…

Sau khi được giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand đã giới thiệu về năng lực và khả năng, nhu cầu, mong muốn, dự định hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Trong đó phía New Zealand quan tâm về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng; nhu cầu và khả năng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; nhập khẩu thực phẩm; hợp tác trong đào tạo, cung cấp điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hợp tác chống biến đổi khí hậu; vận chuyển xanh, giảm thải carbon, chuyển đổi năng lượng; phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao…

thu-tuong-lam-viec-voi-tap-doan-02-1710143702.jpg
Thủ tướng khẳng định chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.(Ảnh TTXVN)

Khái quát các nhóm vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời về các vấn đề liên quan y tế, sức khỏe, dinh dưỡng; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ các nội dung liên quan công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng, thu hồi vốn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập cơ hội đầu tư năng lượng xanh…

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để làm được, Việt Nam rất cần học hỏi mô hình từ các nước tiên tiến, trong đó có New Zealand; cơ hội hợp tác giáo dục hai nước rất tiềm năng. Ông mong muốn các nhà đầu tư lĩnh vực giáo dục trao đổi với các cơ quan để hai bên hợp tác nhiều hơn, cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; đồng thời thúc đẩy hợp tác, liên kết mạnh mẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cụ thể hơn, cần tăng cường đưa sinh viên Việt Nam sang New Zealand và đưa nhóm nhà nghiên cứu của Việt Nam sang New Zealand cùng làm việc, học tập.

Làm rõ một số nội dung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay, trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục về sản lượng, năng suất với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước. Hiện Việt Nam đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Gần đây nhất, tập đoàn gạo hàng đầu SunRice của Australia đã cam kết tham gia chương trình này.

Trước đề xuất của Biolumic (tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại New Zealand) về áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng để tăng cường năng suất và chất lượng lúa, Bộ trưởng cho biết, sẵn sàng giới thiệu, kết nối các tập đoàn của New Zealand với các đối tác Việt Nam, như Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, các các doanh nghiệp hàng đầu… để thực hiện ý tưởng sử dụng công nghệ ánh sáng trong ngành hàng lúa gạo.

Đáng chú ý, TS. Christine Clark, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Kalandra cho biết, doanh nghiệp này sẵn sàng cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao điều này và cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ phối hợp với các cơ quan để trao đổi trực tiếp với Kalandra về nội dung này.

Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và New Zealand còn rất nhiều dư địa

Sau khi các Bộ trưởng giải đáp, trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các nội dung, trả lời các vấn đề mà các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand quan tâm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục trao đổi, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp New Zealand hợp tác, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam và với Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong gần 50 năm, quan hệ Việt Nam-New Zealand đã đạt những bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, dư địa hợp tác còn rất lớn. Do đó, tại hội đàm với Thủ tướng New Zealand, hai bên đã thảo luận, nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.

Trong đó, hai bên tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương; tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân; tăng tốc và bứt phá trong hợp tác các ngành mới nổi như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, đào tạo…

thu-tuong-lam-viec-voi-tap-doan-03-1710143655.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Todd McClay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại New Zealand đã ký kết Bản thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Thương mại New Zealand. (Ảnh Vietnam+)

Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; hiện nay đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai bên còn rất nhiều dư địa.

Nhận định cản trở, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để khắc phục, thời gian tới hai bên nghiên cứu mở lại đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các phương thức kết nối trực tuyến…

Thủ tướng đề nghị Chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp của New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương, các khuôn khổ hợp tác, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP, AANZFTA, Khuôn khổ IPEF… mà hai bên cùng tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ và các cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy đối thoại, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh ASEAN-New Zealand phát huy hơn nữa vai trò là cánh tay nối dài giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

thu-tuong-lam-viec-voi-tap-doan-04-1710143766.jpg
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-New Zealand đạt 1,3 tỷ USD. (Ảnh TTXVN)

Cho biết, chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand hợp tác đầu tư với Việt Nam bằng các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, như hydrogen, năng lượng tái tạo, khoáng sản thiết yếu, xây dựng trung tâm tài chính, tài chính xanh, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 15.000 người, trong đó nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Do đó, Thủ tướng đề nghị phía New Zealand tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh hiệu quả tại New Zealand, qua đó tham gia sâu rộng và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, đột phá trong quan hệ hai nước, là động lực giúp hai nước chúng ta cùng vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, để mỗi nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phục, ấm no.

Theo Thủ tướng, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư New Zealand tới Việt Nam, Chính phủ cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp New Zealand đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam; luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp./.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của New Zealand, trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 13 vào thị trường New Zealand, chiếm 1,3% thị phần nhập khẩu của New Zealand và là nhà nhập khẩu lớn thứ 17 của New Zealand, chiếm 1,4% thị phần xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 5,7% so với năm 2021. Năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm khoảng 6% so với năm 2022.

Bình Châu