Ngành gỗ và sản xuất chế biến gỗ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và yêu cầu về chất lượng, bền vững từ các thị trường quốc tế ngày càng cao, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể.
Thách thức kép khi thiếu hụt gỗ nguyên liệu sau bão
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những khó khăn, thách thức về thị trường xuất khẩu, xung đột địa chính trị trên thế giới với những biến động phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản đã và đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn gỗ nguyên liệu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hậu quả bão số 3 gây nhiều thiệt hại đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Ước tính có khoảng 170.000 ha rừng trồng sản xuất bị thiệt hại, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ ở các tỉnh phía Bắc thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ…
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, những thiệt hại mà bão số 3 để lại đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cần thời gian dài để khắc phục. Đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước về dăm gỗ, các loại ván công nghiệp và viên nén gỗ, các doanh nghiệp cần tạo thêm sự liên kết chặt chẽ với hộ nông dân trong hỗ trợ nông dân trồng lại rừng một cách nhanh nhất.
“Về phía Hiệp hội huy động các doanh nghiệp với tinh thần “lá lành, đùm lá rách” có sự hỗ trợ, đặc biệt cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa mà nhà xưởng, thiết bị sản phẩm của họ bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3, sau đó là nông dân trồng rừng cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp cố gắng thu gom những nguyên liệu bị gãy đổ do bão tiêu thụ cho nông dân, kiên quyết không ép giá, cố gắng làm sao giữ được chuỗi cung ứng từ người nông dân trồng rừng”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), để đạt được mục tiêu xuất khẩu thì việc cải tiến, đổi mới và áp dụng các giải pháp bền vững là điều cần thiết. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn lớn trên nhiều mặt trận.
Cũng theo ông Khanh, Việt Nam là quốc gia không có diện tích rừng tự nhiên lớn và chất lượng gỗ từ rừng trồng còn thấp. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc sử dụng nguồn gỗ hợp pháp và phát triển rừng trồng, ngành gỗ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt là gỗ nguyên liệu. Điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khi giá cả nguyên liệu biến động và thị trường quốc tế có những thay đổi đột ngột về chính sách thuế và thương mại.
Ngành gỗ Việt Nam phải nỗ lực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
Các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đều có nền công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh mẽ, với năng lực sản xuất và xuất khẩu không ngừng cải tiến. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế quy mô lớn và chi phí sản xuất thấp đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường gỗ quốc tế. Điều này đòi hỏi ngành gỗ Việt Nam phải nỗ lực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để duy trì vị thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, các thị trường lớn như Mỹ và EU đang ngày càng thắt chặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng gỗ. Họ yêu cầu sản phẩm phải có chứng chỉ bền vững như FSC, PEFC và các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Điều này đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và quy trình sản xuất để thâm nhập và duy trì sự hiện diện tại các thị trường này.
Mặc dù ngành gỗ đã có những bước tiến lớn trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc nâng cao chất lượng tay nghề cho công nhân. Các vị trí yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như thiết kế, vận hành máy móc hiện đại vẫn còn thiếu hụt, gây cản trở cho việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo nhận định của các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành lâm nghiệp và nguồn nguyên liệu gỗ. Hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang làm suy giảm nguồn cung nguyên liệu, đồng thời gia tăng rủi ro cho việc trồng rừng và khai thác gỗ.
Để vượt qua những thách thức trên và đạt được mục tiêu xuất khẩu trong tương lai, ngành gỗ Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ phát triển nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ sản xuất cho đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thông qua việc khuyến khích trồng rừng bền vững. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tham gia chương trình trồng rừng có chứng chỉ FSC và PEFC, từ đó giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu hợp pháp và bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để giảm thiểu lãng phí nguyên liệu, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng gỗ và tái sử dụng các phế phẩm từ quá trình sản xuất.
Đồng thời, đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất là giải pháp thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ số, như hệ thống quản lý sản xuất tự động (ERP) sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lỗi kỹ thuật và tăng cường hiệu suất. Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng thời phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất thông minh, gỗ composite và các sản phẩm có thiết kế sáng tạo./.