Cà Mau bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng tạo bước chuyển tăng trưởng xanh trong nông nghiệp

Không chỉ khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, Chương trình còn góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau.

Với kỳ vọng hồi sinh nguồn lợi cá đồng, Ủy ban Nhân dân huyện U Minh đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau về việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng giai đoạn 2024-2025.

khoi-phuc-ca-dong-ca-mau-1-1718330237.jpg
Cá đồng đã từng là một nguồn lợi lớn của người dân vùng đất rừng U Minh hạ. (Ảnh minh họa)

Phát triển nguồn lợi cá đồng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Chương trình sẽ khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tiểu vùng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, cải thiện tốt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện U Minh trước đây có trữ lượng cá đồng tương đối lớn và đa dạng về chủng loại, tập trung chủ yếu ở các khu vực lâm phần. Cá đồng U Minh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến như một sản vật của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều yếu tố tác động, nguồn lợi cá đồng của huyện giảm đáng kể cả về số lượng khai thác tự nhiên và diện tích nuôi tập trung.

khoi-phuc-ca-dong-ca-mau-2-1718330223.jpg
Người dân thả cá giống tái tạo nguồn cá đồng tại huyện U Minh năm 2024 (Ảnh Hoàng Nam)

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Trần Hồng Ửng chia sẻ mục tiêu của địa phương hướng đến không chỉ nâng cao nguồn lợi cá đồng, bảo vệ nguồn gene, còn phải biến cá đồng thành sản phẩm thế mạnh của huyện; phát triển du lịch sinh thái thông qua các điểm nuôi cá đồng.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện U Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nội đồng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhằm siết chặt hoạt động thu gom, mua bán cá con.

Ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lựa chọn hội viên tham gia dự án; thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, cho hội viên, nông dân cam kết không khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt… Tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các vấn đề có liên quan trong chương trình phối hợp, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, tham gia đầy đủ các cuộc họp có liên quan do huyện mời, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm kết quả thực hiện chương trình phối hợp”.

Tái tạo nguồn lợi cá đồng gắn với phát triển các mô hình kinh tế

Theo ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, từ thời điểm những năm 2000 đến nay, diện tích và sản lượng cá đồng của tỉnh Cà Mau suy giảm mạnh. Những vùng trọng điểm cá đồng của Cà Mau như U Minh, Trần Văn Thời, cũng trong tình trạng dần cạn kiệt.

Chia sẻ về thực trạng này, Bí thư Huyện uỷ huyện U Minh Đoàn Việt Khoa cho biết trước đây, địa phương không chỉ có trữ lượng cá đồng lớn mà còn đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều yếu tố tác động, nguồn lợi cá đồng của huyện giảm đáng kể cả về số lượng khai thác tự nhiên và diện tích nuôi tập trung… Trong khi đó, U Minh lại chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển để nguồn lợi này trở thành sản vật của địa phương.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện U Minh đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau và các đơn vị có liên quan mở nhiều lớp tập huấn tại các địa phương tuyên truyền về vai trò trách nhiệm của người dân trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên.

Nhờ đó, công tác quản lý các hoạt động khai thác có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn được triển khai ngày càng đồng bộ, hiệu quả. Tín hiệu đáng mừng, người dân cũng đã hiểu được tác hại của việc dùng xung điện.

khoi-phuc-ca-dong-ca-mau-3-1718330315.jpg
Dùng xung điện để đánh bắt cá đồng không chỉ khiến cho bản thân gặp nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến xã hội, gây tổn hại nguồn cá tự nhiên ngoài sông, kênh rạch… (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Hữu Lâm ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bày tỏ qua việc tuyên truyền, vận động của Nhà nước, anh đã hiểu ra việc dùng xung điện để đánh bắt cá đồng không chỉ khiến cho bản thân gặp nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến xã hội, gây tổn hại nguồn cá tự nhiên ngoài sông, kênh rạch…, lâu dài còn đe dọa đến sinh kế của các thế hệ sau này. Từ đó, anh Lâm đã tự nguyện nộp lại dụng cụ xung điện để kiếm nghề khác làm mưu sinh.

Song song đó, việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với tái tạo nguồn lợi cá đồng cũng được cơ quan chức năng quan tâm, triển khai. Điển hình như Hội nông dân huyện U Minh đã phối hợp Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Khánh Thuận tổ chức thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi cá đồng ở Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh.

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi cá đồng Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết qua hoạt động chi hội phát huy tiềm năng sẵn có, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với nông dân có chung ngành nghề nuôi cá đồng, cùng nhau sản xuất đồng nhất về số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với Chương trình OCOP, xây dựng sản phẩm thương hiệu của địa phương.

Chương trình sẽ khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng tại huyện U Minh có 4 xã tham gia ký kết gồm: Khánh An, Khánh Thuận, Nguyễn Phích và Khánh Lâm, trên 100 hộ nuôi với hơn 120 ha./.

Bình Nguyên