‘Nghị quyết bảo vệ cá đồng’ chặn đứng nạn đánh bắt thủy sản trái phép

Trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, một địa phương ở Cà Mau đã có cách làm sáng tạo: "Nghị quyết bảo vệ cá đồng". Người dân đồng lòng ngăn chặn sử dụng kích điện bắt thủy sản trái phép, chính quyền cũng có hình thức khen thưởng kịp thời.
bao-ve-ca-ro-dong-04-1705113633.jpg
Nguồn cá đồng là một trong những chủ lực kinh tế của xã Khánh Thuận.

"Nghị quyết" bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi cá đồng của tỉnh Cà Mau những năm qua đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc đánh bắt, khai thác không đi đôi với bảo vệ, nhất là việc sử dụng xung điện khai thác tràn lan. Tuy nhiên, ở vùng đất rừng U Minh hạ, có một địa phương đang làm rất tốt công công tác bảo vệ nguồn lợi này.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Cà Mau, năm 2023 phát hiện 181 vụ sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản trái phép. Đây là con số cao kỷ lục, cao gấp gần 2 lần năm 2016 - năm phát hiện việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép nhiều thứ 2, trong vòng 10 năm qua. Con số vừa nêu chắc chắn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế tình trạng người dân Cà Mau sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản trái phép còn hơn rất nhiều.

Đơn vị này cũng đánh giá, thực trạng việc sử dụng xung điện, chất độc, ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản vẫn diễn ra, hình thức phức tạp và tinh vi hơn. Công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số sở, ngành, địa phương.

bao-ve-ca-ro-dong-02-1705113694.jpg
Xã Khánh Thuận từng là nơi nổi tiếng có nguồn lợi cá đồng dồi dào ở vùng đất rừng U Minh hạ.

Vùng U Minh hạ vốn nổi tiếng là nơi giàu sản vật tự nhiên, trong đó, cá đồng là một nguồn lợi lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, “nguồn lợi trời cho” ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc khai thác chưa đi đôi với bảo vệ, trực tiếp nhất là việc khai thác theo kiểu tận diệt, phổ biến nhất là dùng xung điện.

Trước tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chỉ thị về việc “Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tận diệt, hủy diệt trên địa bàn”. Trong đó, nêu rõ việc tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong khai thác thủy sản kiểu tận diệt như dùng hóa chất, chất nổ, xung điện.

Trong Hội nghị Tổng kết năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đã nói: “Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng người dân dùng hóa chất, dùng xung điện để bắt tôm, cá… thì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.

Tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau), Đảng ủy xã đã ban hành “Nghị quyết bảo vệ cá đồng” gần 2 năm nay. Nghị quyết nhanh chóng lan tỏa và giúp địa phương bảo vệ nguồn lợi thế mạnh của mình hiệu quả.

Chung tay ngăn chặn nạn kích điện bắt thủy sản

Đêm 25/12/2023, từ tin báo của người dân, Công an xã Khánh Thuận, (huyện U Minh, Cà Mau) bắt quả tang 4 đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt cá đồng. Lực lượng làm nhiệm vụ tịch thu 2 bộ xung điện là tang vật; chính quyền địa phương ra 2 quyết định xử phạt, mỗi vụ 5 triệu đồng.

Trước đó, đêm 11/12/2023, khi phát hiện một đối tượng ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) đến địa bàn xã Khánh Thuận dùng xung điện đánh bắt cá, người dân địa phương đã báo Công an. Kết quả, đối tượng bị thu 1 bộ xung điện, xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng. Người gọi điện báo tin được chính quyền xã thưởng nóng 300.000 đồng và UBND huyện U Minh tặng giấy khen.

bao-ve-ca-ro-dong-01-1705113813.jpg
Từ nguồn tin báo của người dân, cơ quan chức năng xã Khánh Thuận đã thu giữ nhiều xung điện đánh bắt cá đồng - Ảnh: Trần Hiếu

Công tác xử lý vi phạm trong việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản tại xã Khánh Thuận thời gian qua thực hiện nghiêm như vậy là để thực hiện Nghị quyết số 22 của Đảng ủy xã về việc “nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt, khai thác thủy sản”, được thông qua vào giữa năm 2022.

UBND xã đã cụ thể Nghị quyết bằng kế hoạch số 25A, để hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi cá đồng là thế mạnh của địa phương. Chủ trương này được đông đảo người dân trên địa bàn ủng hộ.

“Tôi thấy việc dùng xiệc điện đi đánh bắt cá so với trước giảm nhiều. Nghị quyết ra đời rất phù hợp với lòng dân. Nhiều người dân ở đây dự định nuôi cá đồng nhưng sợ không bảo vệ được. Khi thực hiện nghị quyết này, cá người dân nuôi sẽ được an toàn, họ mạnh dạn thả nuôi trên phần đất của mình”, ông Phan Thanh Trung, người dân ấp 12, xã Khánh Thuận bày tỏ.

Tuyên truyền tự nguyện nộp kích điện

Gia đình ông Phan Thanh Trung cũng như nhiều hộ dân địa phương ủng hộ việc mạnh tay xử lý các đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt cá, bởi trước đây trên mỗi ha đất nông nghiệp bà con có nguồn thu cá đồng khoảng 15 - 20 triệu đồng/năm. Gần đây nguồn thu bị suy giảm nghiêm trọng, bởi thực trạng đánh bắt kiểu tận diệt. Bà con hiện nay cứ thấy ai có xiệc điện là sẽ báo cơ quan chức năng chứ không chỉ khi thấy sử dụng mới báo.

Trước khi mạnh tay xử lý các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng xã Khánh Thuận cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng xung điện đánh bắt cá và vận động người dân tiêu hủy hoặc giao nộp xung điện. Kết quả đạt được rất tích cực, vào ngày 4/1 vừa qua, lực lượng chức năng địa phương đã tiếp nhận 5 bộ xung điện của người dân tự giao nộp.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thống, Phó trưởng Công an xã Khánh Thuận cho biết, khi tuyên truyền về tác hại của xung điện, người dân ý thức chấp hành rất cao. “Nhiều hộ dân tự nguyện giao nộp các xung điện trước đây có sử dụng. Đồng thời, khi người dân phát hiện có người xử dụng xung điện đánh bắt sẽ báo Công an. Nhờ đó, năm 2023 đã bắt 14 vụ, xử lý 16 đối tượng; tiêu hủy, vận động thu hồi hơn 20 bộ xung điện”, Thiếu tá Nguyễn Chí Thống cho hay.

Xã Khánh Thuận có hơn 2.900 hộ dân. Khi triển khai thực hiện “Nghị quyết bảo vệ cá đồng”, lực lượng Công an đã phân luồng ra khoảng 350 hộ dân có khả năng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản và tiến hành cho ký cam kết không sử dụng. Trong đó, có 30 hộ dân có nguy cơ vi phạm cao, được các lực lượng chức năng thường xuyên đến tuyên truyền, nhắc nhở.

bao-ve-ca-ro-dong-03-1705113852.jpg
Nguồn lợi cá đồng ở xã Khánh Thuận đang dần hồi phục nhờ "Nghị quyết bảo vệ cá đồng".

Xã Khánh Thuận từng là nơi nổi tiếng có nguồn lợi cá đồng dồi dào ở vùng đất rừng U Minh hạ. Cũng vì nguyên nhân người dân dùng xung điện khai thác, đánh bắt theo kiểu tận diệt mà nguồn cá đồng bị suy giảm. Từ năm 2021, mô hình dân vận khéo: “Không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản” đã được thực hiện thí điểm. Trên cơ sở thành công của mô hình, Đảng ủy, Chính quyền xã đã phát triển thành chủ trương, chính sách hợp lòng dân và nguồn lợi cá đồng dần khôi phục. Cũng từ đó, năm nay Sở NN&PTNT Cà Mau có kế hoạch hỗ trợ 60 hộ dân trên địa bàn nuôi tái tạo nguồn lợi cá đồng.

Ông Hồ Tương Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết, thời gian tới xã sẽ tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong thực hiện “Nghị quyết bảo vệ cá đồng”; xử nghiêm các đối tượng dùng xung điện đánh bắt để đảm bảo răn đe. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí khen thưởng theo quy định còn thấp nên xã cũng đang nghiên cứu, có thể vận động thêm nguồn tiền xã hội hóa để khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho người dân mạnh dạn đấu tranh.

“Nguồn cá đồng là một trong những chủ lực kinh tế của xã Khánh Thuận. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân bắt, tố giác được người vi phạm, xã sẽ khen thưởng đột xuất để bà con có ý thức cao hơn, góp phần đấu tranh hiệu quả với hành vi dùng xung điện sát hại cá, đạt hiệu quả cao nhất”, ông Lai khẳng định./.

Trần Hiếu