Tiên phong biến ruộng hoang thành vườn dưa lưới
Gia đình chị Lê Thị Hiền (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là một trong những hộ dân đầu tiên tại huyện ven biển Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) trồng dưa lưới trong nhà màng. Đến nay, diện tích trồng dưa lưới của gia đình chị ngày càng được mở rộng và được trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ trồng dưa theo hướng hữu cơ đã giúp cây dưa đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Mỗi năm, gia đình chị thu về hàng trăm triệu đồng.
Với đặc tính đất nông nghiệp tại địa phương khó canh tác, năng suất thấp, nên người dân bỏ hoang ruộng nhiều. Thấy tiếc đất, chị Hiền đã thuê lại 2,5 ha đất nông nghiệp của bà con để cải tạo làm trang trại trồng cây ăn quả.
Trong số diện tích thuê lại, chị Hiền đã dành ra hơn 1.000m2 để trồng dưa lưới trong nhà màng. Số diện tích còn lại chị trồng các loại cây ăn quả khác.
Vụ dưa năm 2024, gia đình chị Hiền đã trồng 3.000 gốc dưa lưới và 2.000 gốc dưa hấu, áp dụng phương pháp trồng dưa theo hướng hữu cơ. Sau 70 ngày trồng và chăm sóc, chị đã thu hoạch được hơn 6 tấn dưa lưới và 4 tấn dưa hấu.
Hiện nay, chị Hiền bán cho thương lái với giá 30.ngàn đồng/kg dưa lưới và 20 ngàn đồng/kg. Sau 2 tháng trồng gia đình chị đã bỏ túi hơn 200 triệu đồng.
Chị Hiền chia sẻ: Từ khi mới bắt đầu trồng dưa lưới trong nhà màng, tôi cũng trồng dưa trong giá thể xơ dừa giống như cách truyền thống các nhà vườn vẫn làm. Nhưng mấy năm nay, tôi chuyển sang trồng trực tiếp vào đất. Đất trước khi trồng dưa, tôi đã xử lý, như vậy quả dưa được cung cấp đủ dinh dưỡng hơn so với trồng trên giá thể.
“Tôi thấy, trồng dưa trực tiếp trên nền đất vừa tiết kiệm được chi phí như nước tưới, giảm lượng phân bón và cho quả dưa có độ giòn và ngọt hơn so với dưa trồng trên giá thể. Tôi trồng dưa theo hướng hữu cơ, tuy tốn công chăm sóc hơn nhưng bù lại sản phẩm an toàn và chất lượng cao hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn”, chị Hiền chia sẻ thêm.
Theo chị Hiền, trước khi tiến hành trồng, đất sẽ được xử lý qua nhiều công đoạn để trừ sâu bệnh. Đồng thời, chị còn dùng các loại chế phẩm sinh học để tiêu diệt các mầm sâu bệnh trong đất. Sau đó, bổ sung thành phần hữu cơ như phân chuồng ủ hoai và phân trùn quế cho đất. Sau khi xử lý sâu bệnh dưới đất, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, dễ thoát nước…lúc này mới đủ tiêu chuẩn để trồng cây.
Chị Hiền đã áp dụng trồng dưa theo quy trình hiện đại với các công đoạn: Xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước. Trong đó việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Nhờ được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, dùng chế phẩm sinh học tự nhiên nên sản phẩm dưa lưới của chị Hiền cho năng suất ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, sản phẩm của chị sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Chị Hiền cho hay: Điều kiện khí hậu ở Ha Tĩnh phù hợp để trồng dưa lưới và dưa hấu. Dưa là cây dễ trồng, ít sâu bệnh và mang lại thu nhập cao. Trung bình một cây dưa sẽ cho ra 5 - 6 quả nhưng nhà vườn chúng tôi chỉ giữ lại 1 quả để quả đạt trọng lượng và chất lượng tốt nhất. Trong quá trình trồng, cần phải chăm sóc, theo dõi chặt chẽ, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây để quả dưa đạt chất lượng tốt nhất.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nên sau khoảng 70 ngày chăm sóc, dưa cho chất lượng tốt. Dưa lưới có vỏ mỏng, vị ngọt thanh, thịt quả có màu đỏ cam, quả đạt trọng lượng 1,5 - 2 kg/quả, có những vụ trong vườn của chị Hiền có những quả dưa lưới có trọng lượng lên tới 4kg. Riêng dưa hấu thành phầm có trọng lượng trên 2kg/quả, có vị ngọt đậm đà, ruột chắc, mọng nước nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến mua.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho hay: Gia đình chị Lê Thị Hiền rất tâm huyết và đam mê làm nông nghiệp. Chị đã tiên phong, mạnh dạn đầu tư vốn để làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, là người đầu tiên ở địa phương làm nhà màng để trồng dưa. Chị đã góp phần chuyển đổi cây trồng thành công và đã giải quyết được những diện tích đất bị hoang hóa, bỏ hoang tại địa phương tránh lãng phí quỹ đất.
Theo đánh giá, mô hình trồng dưa lưới nói riêng và mô hình kinh tế tổng hợp của chị Hiền mang lại hiệu quả kinh tế, được rất nhiều người đến tham quan, học hỏi và về triển khai. Không chỉ làm giàu cho bản thân, trang trại của chị Hiền còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Không chỉ vậy, chị Hiền cũng là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.
Chăm sóc cây ăn quả bằng điện thoại thông minh
Ngoài trồng dưa lưới trong nhà màng, với mảnh vườn rộng hơn 2.000m2 của mình, gia đình chị Hiền còn trồng các loại cây ăn quả như: Na, mít, bưởi và các loại cây ngắn ngày. Dù vào những năm nắng hạn đỉnh điểm, kéo dài nhưng vườn cây ăn quả của gia đình chị vẫn luôn xanh mướt, trĩu quả.
Với đặc điểm khí hậu tại địa phương khá nắng nóng nên việc tưới và chăm sóc cây cối gặp rất nhiều khó khăn. Có những năm nắng nóng gay gắt gia đình chị phải thuê thêm người để chống hạn cho cây.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm làm vườn của nhiều nông dân ở các địa phương khác và lên mạng tìm hiểu, đầu năm 2020, chị Hiền đã mua thiết bị điều khiển từ xa qua ứng dụng Internet để lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn cây ăn quả nhà mình.
Từ khi có hệ thống tưới tự động được điều khiển qua Smartphone, đã giảm được thời gian, công sức cho người làm vườn. Đồng thời tiết kiệm được nước tưới.
Theo chị Hiền, thiết bị điều khiển từ xa qua ứng dụng Internet được gia đình chị lắp đặt có xuất xứ từ Thái Lan, việc lắp đặt và sử dụng khá dễ dàng, giá thành lại rẻ nên nhà vườn nào cũng có thể áp dụng được.
Chị Hiền cho hay: “Từ khi lắp thiết bị điều khiển từ xa cho hệ thống tưới cây, việc chăm sóc vườn cây ăn quả của tôi trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, giảm được thời gian, công sức ra vườn. Chi phí cũng không lớn lắm, với mảnh vườn 2.000m2, tôi chỉ mất hơn 1 triệu tiền mua thiết bị và 15 triệu đồng tiền đường ống. Nhờ hệ thống điều khiển tưới từ xa này, có những thời điểm tôi không ở nhà những cây cối vẫn được tưới nước”.
Cũng theo chị Hiền, việc áp dụng tưới nước bằng hệ thống tự động cũng giúp gia đình chị tiết kiệm được lượng nước tưới. Nếu như trước đây, với 10 khối nước chị chỉ tưới được 300m2 cây trồng. Nhưng từ khi lắp đặt thiết bị này thì với 10 khối nước sẽ tưới được 3.000m2 cây trồng, hiệu quả cao gấp 10 lần.
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Lộc Hà có 07 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Tập trung ở các địa phương Hồng Lộc, Bình An, thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu. Tổng diện tích trồng dưa lưới trên toàn huyện khoảng 10.000m2, cho thu hoạch bình quân 40 tấn/vụ, doanh thu 1,4 - 2 tỷ đồng mỗi vụ./.