Trồng dưa lưới trong nhà màng cho thu nhập trăm triệu mỗi năm

Trên vùng đất trồng cây màu kém hiệu quả, vợ chồng anh Trần Đình Quang (thôn Bình Nguyên, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư nhà màng để trồng giống dưa lưới. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.
441256069-2173615056321470-3014633288563038015-n-1-1717027449.jpg
Trồng dưa lưới trong nhà màng, cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Vợ chồng anh Trần Đình Quang và chị Lưu Thị Phượng đã đầu tư xây dựng mô hình dưa lưới trong nhà màng với diện tích 3000 m2, trồng 6 nghìn gốc dưa. Mô hình dưa lưới nhà màng tưới bằng công nghệ Israel với vốn đầ tư gần 1 tỷ đồng. Như vụ dưa này gia đình dự kiến thu hoạch hơn 10 tấn dưa cho doanh thu hơn 500 triệu đồng.

Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng đất khô cằn ở thôn Bình Nguyên. Thời điêm này, vườn dưa của anh chị đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Người vào ra mua dưa khá tấp nập.

Bình An là xã ven biển thuộc huyện Lộc Hà với điều kiện khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chất đất pha cát, nghèo dinh dưỡng, những nơi thấp được trồng lúa nước, nơi cao cưỡng thì trồng lạc là chủ yếu, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, chỉ đủ đảm bảo vấn đề cung cấp lương thực cho gia đình, còn để làm giàu rất khó.

442468376-2173615016321474-6577299716197239266-n-1717027477.jpg
Trên diện tích đất trồng hoa màu không hiệu quả, khi chuyển sang trồng dưa lại giúp gia đình phát triển kinh tế.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dưa, anh Quang vừa cho biết: "Với mong muốn thay đổi hướng phát triển kinh tế, tôi đã tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế qua thực tiễn cũng như internet, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã được nhiều hộ dân các địa phương trong tỉnh áp dụng thành công, đặc biệt thị trường đầu ra khá thuận lợi nên tôi đã bàn với vợ vay vốn đầu tư".

Giữa năm 2021, vợ chồng anh chị bắt đầu xây dựng hệ thống nhà lưới để trồng dưa. Ngoài phần diện tích của gia đình, anh chị còn thuê thêm 3 sào đất của các hộ dân khác xây dựng 2 nhà màng, mỗi nhà 1500m2 để trồng dưa lưới.

Anh Quang cho biết, khi quyết định triển khai mô hình này, anh được hỗ trợ vay vốn từ chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và của huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên cũng đỡ phần nào về kinh phí.

Nhà màng trồng dưa khép kín được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, bên trong đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel. Với phương thức tưới này, các chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

441405288-2173614956321480-6951495772589576856-n-1717027458.jpg
Những quả dưa của gia đình anh Quang được chăm sóc tốt nên quả đều, đẹp, chất lượng tốt.

Năm 2022, vụ dưa lưới đầu tiên được xuống giống, sau hơn 2 tháng, những quả dưa đến kỳ cho thu hoạch. Lúc đó, người dân trong thôn, trong xã đến tham quan rồi mua về ăn, làm quà và được nhiều thương lái ở huyện đến thu mua.

Dù thắng lợi ngay vụ dưa đầu tiên, nhưng điều anh Quang băn khoăn, lo lắng bởi khi sản xuất với số lượng nhiều sẽ khó khăn về đầu ra. Vì vậy, anh Quang đã tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Sau mỗi vụ sản xuất, anh Quang lại có kinh nghiệm hơn trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng ngày càng tăng. Đến nay đã là vụ dưa thứ 4, với 6.000 gốc dưa lưới hoàng kim, sản lượng đạt gần 10 tấn, giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, ước tính doanh thu 500 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, cho lãi khoảng 250 triệu đồng/vụ.

dua-an-loc-1717027799.jpg
Anh Quang kiểm tra dưa để thu hoạch.

Theo anh Quang chia sẻ, dưa lưới hoàng kim là giống cho quả có độ giòn cao và độ ngọt đậm, được nhiều người ưa chuộng, mỗi quả nặng 1,5 - 2,5 kg, có hình bầu dục, khi chín có màu vàng sáng, trên vỏ có các gân chằng chịt đan xen như lưới. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 70 - 80 ngày, sau mỗi vụ thu hoạch thì dừng khoảng 2 tuần để vệ sinh đất rồi triển khai vụ tiếp theo. Dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm, nhưng với thời tiết khí hậu tại Hà Tĩnh chỉ thích hợp trồng được 2 vụ/năm, từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 6 đến tháng 8 (Dương lịch).

Qua gần 3 năm thử nghiệm, với việc áp dụng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, cùng với việc thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Quang đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho 3 - 4 lao động địa phương theo thời vụ.

a012-1717027482.jpg
Gia đình anh Quang đóng dưa để gửi cho khách đặt.

Trao đổi với phóng viên, ông Đậu Ngọc Tý - Phó chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, đây là mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí lớn. Vì vậy, người dân cũng như chính quyền địa phương mong muốn có sự hỗ trợ thêm về nguồn vốn, sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nâng tầm sản phẩm để tạo động lực cho hộ gia đình và những người có nguyện vọng phát triển kinh tế bằng nông nghiệp sạch đầu tư nhân rộng mô hình./.

Nguyễn Duyên